Tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng: "Lương bình thường thì nỗ lực đàm phán cũng vừa phải thôi"

Tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh vai trò quan trọng của người đại diện vốn tại doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Theo ông, từ trước tới nay, khó khăn nhất là chế độ lương, thưởng của người đại diện vốn tại DNNN không khuyến khích người tài làm việc tốt nhất.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho rằng cần có thay đổi đột phá trong chế độ đãi ngộ cho người đại diện vốn tại DNNN. Ảnh: QUANG PHÚC
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho rằng cần có thay đổi đột phá trong chế độ đãi ngộ cho người đại diện vốn tại DNNN. Ảnh: QUANG PHÚC

Chiều 29-11, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các ý kiến đại biểu (ĐB) Quốc hội đều đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi căn bản luật này để tạo một cơ chế quản lý mới, phân định rõ quyền và trách nhiệm giữa vai trò quản lý của cơ quan đại diện chủ sở hữu với quản trị của doanh nghiệp, tạo cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đồng thời có cơ chế phù hợp để quản lý có hiệu quả tiền vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

Tại phiên họp, tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu, nhấn mạnh vai trò quan trọng của người đại diện vốn tại DNNN. Theo ông, cần có cơ chế quản lý đánh giá, gắn với chế độ đãi ngộ và phải có công cụ cho họ làm việc.

"Nếu tiền lương thưởng vẫn theo barem, thang bậc chung thì không bao giờ thu hút được người tài và có người tài thì họ cũng không phát huy hết năng lực".

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng

Một là, nếu đưa ra cơ chế khắt khe, nhân sự này rất vất vả nhưng tiền lương thưởng vẫn theo barem, thang bậc chung thì không bao giờ thu hút được người tài và có người tài thì họ cũng phát huy hết năng lực.

Tương tự, quản lý đánh giá phải rất khách quan, minh bạch. DN làm ăn hiệu quả thì đánh giá hiệu quả dựa vào các chỉ tiêu lợi nhuận, doanh thu… cũng cần rõ ràng. Làm tốt thì lương thưởng thế nào, nếu vượt lợi nhuận đặt ra thì mức lương thưởng có tăng lên hay không. Nếu không làm tốt thì mức độ nào cảnh báo, sa thải… thì mới sòng phẳng.

Cuối cùng, họ cũng cần đủ thẩm quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo. Nếu DNNN áp dụng cơ chế tương tự DN tư nhân, thì sẽ khác. Ông ví dụ, khi đi đàm phán dự án, thì với trách nhiệm lớn, người nhận lương cao, kết quả đàm phán gắn liền với quyền lợi của chính mình, sẽ nỗ lực hơn hẳn.

“Người chỉ nhận mức lương bình thường họ chỉ đàm phán ở mức độ vừa phải thôi, vì có giảm nữa họ cũng không được gì. Trong khi ông chủ tư nhân luôn cố gắng đàm phán được mức giá tốt nhất. Chưa kể, lương thấp, không những không nỗ lực đàm phán mà có thể còn cài cắm, gửi giá”, người đứng đầu Bộ Tài chính nhận định. Theo ông, từ trước tới nay, khó khăn nhất là chế độ lương thưởng của người đại diện vốn tại DNNN.

Tin cùng chuyên mục