Trong kỷ yếu của hội thảo, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã nêu lên bài học của chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Theo Đại tướng Phan Văn Giang, qua 70 năm, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã để lại 5 bài học quý giá có thể vận dụng và phát huy trong sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, bài học đầu tiên phải nắm chắc tình hình, xử lý đúng đắn, linh hoạt, kịp thời nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Trong đó, các đơn vị trong toàn quân, nhất là các cơ quan tham mưu chiến lược phải bám sát thực tiễn, chủ động nghiên cứu, nắm, đánh giá, dự báo chính xác các nguy cơ, thách thức, các tình huống chiến lược, loại hình tác chiến mới để ngăn ngừa từ sớm, từ xa, không để đất nước bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Theo Đại tướng Phan Văn Giang, trong tình hình mới, cần tăng cường xây dựng tiềm lực quốc phòng vững mạnh toàn diện. “Chúng ta phải xây dựng, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước trên tất cả các lĩnh vực quân sự, chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, đối ngoại, khoa học và công nghệ, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh và đề nghị tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nòng cốt là Quân đội nhân dân Việt Nam theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, trong kỷ yếu hội thảo đã có bài viết về bài học nhìn từ chiến thắng Điện Biên Phủ trong việc xây dựng nền an ninh nhân dân. Theo Đại tướng Tô Lâm, tư tưởng xây dựng nền an ninh nhân dân được thể hiện trong đường lối đấu tranh chống phản cách mạng của Đảng, bắt đầu từ huy động sức mạnh quần chúng trong phong trào “ba không”, “phòng gian bảo mật” thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, phong trào “bảo vệ trị an” thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” sau này.
“Với tinh thần dồn sức cho Điện Biên Phủ, cùng với thế trận chiến tranh nhân dân, nền an ninh nhân dân đã trở thành phòng tuyến bảo vệ thiết yếu, góp phần quan trọng chuẩn bị mọi tiềm lực vật chất, tinh thần phục vụ chiến dịch. Bởi thế, mặc dù trận quyết chiến Điện Biên Phủ diễn ra ở địa hình rừng núi hiểm trở, xa hậu phương, mạng lưới giao thông chiến lược hầu như chưa có, nhưng chính “thế trận lòng dân” vững chắc trên nền an ninh nhân dân gắn chặt với nền quốc phòng toàn dân đã trở thành một trong những vũ khí sắc bén trong cuộc quyết chiến chiến lược này”, Đại tướng Tô Lâm đánh giá.