1. Ông Thành (quận Gò Vấp, TPHCM) về hưu trong tâm trạng nhẹ nhàng, thanh thản sau mấy mươi năm cống hiến cho ngành bưu điện. Lương hưu của hai vợ chồng không nhiều nhưng cũng đủ chi tiêu và có dư chút đỉnh.
Những ngày đầu không phải đi làm, ông cảm thấy thoải mái lắm. Sáng mặc sức nằm nướng, không phải nghĩ ngợi đến công việc. Đợi vợ đi tập thể dục về là có bữa ăn sáng nóng hổi, ly cà phê thơm lừng. Sau đó, ông đủng đỉnh đến bên tủ sách, chọn một quyển mà khi còn bận bịu với công việc chưa kịp đọc.
Thế nhưng, ngày vui qua mau. Chẳng bao lâu, ông lại rơi vào tâm trạng chán chường. Khi ông còn đi làm, mọi việc trong nhà, vợ ông cáng đáng mà chẳng nề hà. Ông chỉ việc sáng đi, chiều về ăn cơm, xem tivi rồi ngủ. Giờ đây, cũng là những việc nội trợ như trước, nhưng vợ ông lại thấy ông toàn nằm không, trong khi bà phải luôn tay làm là điều bất công. Thế là bà tận dụng ông chồng “rỗi việc”. Nào là, “ông ơi, dậy nhanh đưa tôi đi chợ…”, “ông ơi, trông giùm nồi thịt kho, tôi ra ngoài một chút”. Và cứ “ông ơi…”, bất kể ông đang thả hồn trên trang sách, đang nghĩ một tứ thơ, hay xem một chương trình tivi ưa thích.
Đôi lúc ông phàn nàn “trước đây khi tôi đi làm, bà gọi ai?” thì bà lại tỏ vẻ hờn giận “vợ chồng phải giúp nhau việc nhà, ông ở không chứ có làm gì đâu”. Thành ra, ông luôn trong tâm trạng bất an, không biết bị sai bảo lúc nào. Thời gian để dành cho những việc yêu thích luôn bị gián đoạn. Tâm sự với một người bạn, ông nói, “không lẽ bây giờ tôi đi xin làm một chân bảo vệ, để sáng đi chiều về, tránh làm những công việc bất như ý hiện nay”.
2. Ông Hùng, giáo viên ở TP Thủ Đức (TPHCM) thì khác. Trước khi nghỉ hưu, ông đã có những toan tính cho cuộc sống sau này của hai vợ chồng. Con cái đã ổn định, có nhà riêng nên ông bàn với vợ cho thuê căn nhà ở thành phố, về nông thôn vui thú điền viên, tránh xa chốn phồn hoa ồn ào, náo nhiệt.
Được những người bà con giới thiệu, ông bà sang một mảnh đất nhỏ, xây lên ngôi nhà cấp bốn khá xinh xắn thỏa được ước mơ. Không khí trong lành, giá sinh hoạt không cao, cuộc sống của hai vợ chồng già cứ tưởng sẽ vô cùng êm ấm. Thế nhưng, đời không như là mơ. Càng ngày ông Hùng càng cảm thấy khó chịu. Ở bên ngoài, người ta biết ông là dân thành phố, nghe nói lương hưu cũng gấp mấy lần lao động nông nghiệp ở đây nên họ cũng nể nang. Thế là ông cứ được mời đám tiệc liên miên, và mỗi lần đi dự, ông đều về nhà trong trạng thái ngà ngà, bởi vì ai cũng kính chú Hai, bác Hai, anh Hai hết ly này đến ly nọ, khó mà từ chối. Bà vợ ông thì phản ứng quyết liệt với việc ông chén chú, chén anh với những người lối xóm, còn ông thì cả nể, lại sợ người ta cho là mình xa cách. Cũng vì chuyện này mà không khí trong nhà thường nặng nề.
Chưa hết, lúc còn ở thành phố, mỗi khi trong nhà có sự cố gì về điện, nước, cống rãnh, ông bà có con cái về xử lý, hoặc thuê người dễ dàng, còn ở đây ông phải là người lo toan mọi thứ, bởi vì thợ ở cách xa, có khi gọi nửa ngày cũng chưa thấy tới. Thế là ông bị ca cẩm là “chẳng được tích sự gì”, không bằng một góc chú Ba, cậu Tư…, việc gì cũng làm được. Nhưng làm sao ông dám trèo cao nối dây điện, làm sao biết đường nước vỡ chỗ nào, mái tôn dột nơi đâu.
Nhà có khoảng sân, ông mua hoa về chăm chút, nhìn ngắm mỗi sáng thì bị vợ cằn nhằn là không chịu trồng rau, để đỡ phải mua. Nuôi chim để nghe chúng hót thì bà cho là tốn kém lại dơ bẩn. Nói chung những thú vui tao nhã của ông đều bị bà làm cho cụt hứng… Giờ lỡ rồi, ông đang toan tính làm sao để trở về thành phố.
3. Không chỉ mấy ông, mà mấy bà khi nghỉ hưu cũng đầy tâm trạng. Lúc còn làm kế toán ở một cơ quan nhà nước, bà Hòa (ở Long An) là một người cần mẫn, tận tụy với công việc. Mặc dù là người hiếu động, thích đi đây, đi đó nhưng do bận bịu, bà ít khi được thỏa ước mơ du lịch. Được nghỉ hưu, như cởi bỏ gánh nặng, thấy mình như chim sổ lồng, bà lập kế hoạch tung tăng cùng chị em. Việc nhà đã có người làm, cuối tuần con cháu về thăm ông. Thế nhưng, ông chồng lại dội cho bà một gáo nước lạnh: “Già rồi còn đi đâu, chơi bời gì nữa! Đã bao năm cắm đầu vào công việc, bỏ bê chồng con. Giờ là lúc phải tề gia nội trợ chứ!”.
Lúc còn đi làm, bà nấu gì ông ăn nấy. Thậm chí, quá bận rộn còn nói ông ra quán ăn cho tiện. Nhưng giờ thì khác, ông đòi hỏi đủ thứ, nay món này, mai món nọ. Ông đi làm về, bà phải phục vụ hết việc nọ đến việc kia. Ở nhà ngột ngạt, đôi khi bà hẹn hò bạn bè ra quán cà phê tám chuyện. Khi về nhà, gặp khuôn mặt nặng như chì của ông khiến bà ngao ngán. Tâm sự với bạn, bà nói: “Phải chăng ông chồng mình quá ích kỷ, gia trưởng. Tại sao mình không được sống theo ý mình trong quãng đời còn lại, mà phải nhất nhất phục vụ ông ấy?”. Bà dự tính làm một “cuộc cách mạng”, nói mọi chuyện với ông cho ra lẽ. Nhưng liệu có được không? Ông có chịu nhượng bộ, hay vợ chồng già lại suốt ngày lục đục?