Tâm thế mới của Việt Nam

Có thể nói, các hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, liên tục là điểm sáng nổi bật của năm 2023. Đã có gần 50 đoàn lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế tới thăm, tạo nên bước phát triển mới về chất trong cục diện đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước ta. Cùng với đó, khuôn khổ quan hệ với nhiều đối tác được nâng lên tầm cao mới, cho thấy vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao.

Một Việt Nam tự tin trên vũ đài thế giới

Những năm gần đây, nhiều nhà lãnh đạo thế giới sang Việt Nam đều có những trải nghiệm về đất nước, con người Việt Nam: Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ăn bún chả ở một quán bình dân Hà Nội, Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngồi uống cà phê ở vỉa hè; Thủ tướng Australia Anthony Albanese thưởng thức bia hơi và bánh mì ở khu phố cổ Hà Nội; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ngồi trò chuyện tại Hồ Gươm; Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Belarus, sau khi tham quan Cột cờ Hà Nội, đã có những phút giây thư thái, thưởng thức cà phê cùng bánh mì que nhân gà và bánh caramen trà xanh tại quán trong khuôn viên khu di tích. Những hình ảnh đó không chỉ toát lên niềm tin và tình cảm yêu mến của các chính khách, bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam, còn cho thấy các nước đang ngày càng xem Việt Nam là đối tác quan trọng trong chiến lược hợp tác, cùng phát triển.

img3209-1702377844021687934445-7879.gif
Chiều ngày 12-12-2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình

Dễ nhận thấy, sự phục hồi, ổn định và phát triển của nền kinh tế Việt Nam góp phần gia tăng đáng kể uy tín, vị thế của đất nước trong thu hút đầu tư quốc tế. Đây là điều kiện, tiền đề vững chắc để Việt Nam khẳng định và nâng tầm uy tín, vị thế đất nước trên tất cả lĩnh vực, mối quan hệ quốc tế. Năm 2023, Việt Nam đã đón tiếp nhiều nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao các nước: Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, Thủ tướng Cộng hòa Singapore Lý Hiển Long, Chủ tịch Duma quốc gia Quốc hội Liên bang Nga Vyacheslav Viktorovich Volodin, Chủ tịch nước CHDCND Lào Thoongloun Sisoulith, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen… Những sự kiện này được đánh giá có ý nghĩa lịch sử, góp phần khẳng định "chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay".

Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay chúng ta đã mở rộng, quan hệ sâu sắc với 193 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 3 nước có quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Gần 50 năm đi lên từ cuộc chiến tranh với vô vàn khó khăn, Việt Nam có tiếng nói trên trường quốc tế và các cường quốc thay đổi thái độ với Việt Nam. Đó là Việt Nam đã biết tạo ra thế. Thế ở đây chính là đường lối chính trị, đối nội và đối ngoại đúng đắn, dựa trên 2 cơ sở quan trọng. Thứ nhất, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu tối thượng, làm nền tảng. Thứ hai, đường lối đối ngoại và chính sách ngoại giao của Việt Nam dựa trên chính nghĩa. Bởi trên thế giới có nhiều quan điểm, có nhiều khuynh hướng, có nhiều luận thuyết chính trị khác nhau, nhưng tất cả các dân tộc trên thế giới nhìn vào ngoại giao một nước là họ xem nước đó có chính nghĩa hay không để họ ủng hộ. Sự linh hoạt trong tư duy và đường lối ngoại giao của Việt Nam thời gian qua cũng đã phát huy tính hiệu quả.

Đó là những mối quan hệ lợi ích song trùng, song phương và cả đa phương đan cài nhau. Đây chính là nghệ thuật về ngoại giao để nâng tầm vị thế của mình và Việt Nam đang làm tốt điều này. Vì thế, việc rất nhiều nguyên thủ các nước láng giềng, nước lớn, bạn bè truyền thống liên tiếp tới thăm Việt Nam trong năm 2023, một lần nữa minh chứng cho vị thế của chúng ta - một nước Việt Nam giàu khát vọng vươn lên để đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng ở khu vực và trên trường quốc tế.

Mở ra chương mới trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden đúng vào dịp 50 năm Việt Nam và Hoa Kỳ ký Hiệp định Paris 1973 chấm dứt sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ ở Việt Nam; kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ (2013-2023). Trên cơ sở vì lợi ích của nhân dân 2 nước và mong muốn tăng cường hợp tác nhằm các mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững trong bối cảnh mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden đã thay mặt 2 nước thông qua Tuyên bố chung, thiết lập Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.

gettyimages-1658590327-612x612-4813.gif
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hội kiến Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 10-11/9/2023 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Hội kiến với Tổng thống Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng để tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ song phương trong khuôn khổ Đối tác Chiến lược Toàn diện mới xác lập, 2 bên cần tiếp tục tăng cường quan hệ chính trị - ngoại giao, nhất là thông qua các cuộc gặp giữa Lãnh đạo cấp cao của 2 nước.

Năm 2023, nhiều nguyên thủ quốc gia các nước quan trọng đến thăm Việt Nam, được đánh giá là những sự kiện có ý nghĩa lịch sử, góp phần khẳng định "chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay".

Tại tiệc chiêu đãi, Chủ tịch nước nhấn mạnh sự phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, từ cựu thù trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện. Đây thực sự là hình mẫu trong lịch sử quan hệ quốc tế về hàn gắn và xây dựng quan hệ sau chiến tranh. Tổng thống Joe Biden cũng bày tỏ tin tưởng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu hơn nữa. Tại cuộc hội kiến giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với Tổng thống Joe Biden, 2 nhà Lãnh đạo bày tỏ vui mừng về những bước phát triển sâu rộng của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trên cả 3 bình diện song phương, khu vực và quốc tế. Trong đó, kinh tế, thương mại, đầu tư tiếp tục là điểm sáng và là động lực của quan hệ song phương, với kim ngạch 2 chiều đạt hơn 123 tỷ USD vào năm 2022. Hợp tác giữa 2 nước về khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, an ninh-quốc phòng, khắc phục hậu quả chiến tranh, ứng phó với biến đổi khí hậu, giao lưu nhân dân... tiếp tục đạt nhiều tiến triển quan trọng.

Trao đổi về phương hướng hợp tác 2 nước thời gian tới với Tổng thống Joe Biden, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Hoa Kỳ sớm hoàn tất thủ tục công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường; tiếp tục dành nguồn lực cho hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, lĩnh vực không thể thiếu đối với quá trình hàn gắn, xây dựng và củng cố lòng tin, sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau giữa 2 nhà nước và nhân dân 2 nước. Tổng thống Hoa Kỳ và các nghị sỹ cùng đi nhất trí với các đề xuất của Chủ tịch Quốc hội, sẽ nỗ lực thúc đẩy sự ủng hộ quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

“Định vị mới”, “Tầm mức mới” trong quan hệ Việt - Trung

Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra vào thời điểm kỷ niệm 15 năm Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, đánh dấu mốc lịch sử mới trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Trên cơ sở thành quả quan trọng của 15 năm thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, chuyến thăm lần này của ông Tập Cận Bình có nhiều kỳ vọng về một “định vị mới”, “tầm mức mới” của quan hệ song phương; làm sâu sắc hơn nữa khuôn khổ hợp tác cho tương lai lâu dài của quan hệ 2 nước theo hướng bền vững, thực chất và hiệu quả hơn, góp phần vào xu thế hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới. Với 36 văn bản thỏa thuận - mức kỷ lục - được ký kết giữa 2 nước, chuyến thăm lần này của ông Tập Cận Bình đã đạt được nhiều kết quả về mặt ngoại giao, chính trị, quốc phòng, an ninh…

Điều này thể hiện rõ nét trong các cuộc hội đàm, hội kiến cấp cao và tại Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc. Trong đó, 2 bên đã nhất trí xây dựng "Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân 2 nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại". Qua hoạt động này, các lãnh đạo Trung Quốc, cộng đồng quốc tế cũng nhìn nhận đầy đủ hơn những thành tựu của quá trình đổi mới, cũng như cơ đồ và tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam. Đặc biệt, những kết quả về mặt kinh tế được thể hiện trong 36 văn bản thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa 2 nước đều là những khuôn khổ triển khai lớn, thay vì những dự án cụ thể.

Trong đó, đáng chú ý là 2 Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác đường sắt biên giới và 2 Kế hoạch hành động giai đoạn 2024-2026 về thương mại, kinh tế. Trung Quốc hiện nay là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối các nước ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên toàn cầu...

Có thể nói, Tuyên bố chung và việc ký kết 36 văn kiện hợp tác đã phản ánh một cách chân thực và sinh động về tầm vóc cũng như mức độ gắn kết của quan hệ Việt-Trung. Nhất là vào thời điểm thế giới đang trải qua những biến động ngày càng gia tăng và khó lường, các sự kiện này càng củng cố và phát triển hơn nữa tình hữu nghị truyền thống giữa Trung Quốc và Việt Nam, mở ra giai đoạn phát triển mới, kiến tạo không gian mới cho hợp tác giữa 2 nước…; đồng thời vạch ra kế hoạch lớn cho sự phát triển theo chiều sâu trong tương lai quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

Tin cùng chuyên mục