“Một vạn” câu hỏi vì sao
Chị Lê Oanh, ngụ đường Dương Thị Mười (quận 12, TPHCM) vừa bận rộn nấu ăn, vừa trò chuyện cùng con gái 6 tuổi. Cô bé hay chuyện nên líu lo suốt ngày. “Trả lời bé mệt lắm. Cả vạn câu hỏi vì sao thế này, vì sao thế kia nên đôi khi cũng bực. Nhưng bạn ý về quê mấy hôm lại thấy nhớ da diết”, chị Oanh tâm sự.
Cũng giống chị Oanh, anh Nguyễn Vân Nam ở đường Nguyễn Ảnh Thủ (huyện Hóc Môn) nổi giận khi cậu con trai 8 tuổi suốt ngày kể chuyện thích cô bạn gái cùng lớp, bắt chước người lớn tỏ tình… Anh Nam bực bội: “Con nít ranh. Suốt ngày hỏi về giới tính, tình yêu… Chúng nó bị ám ảnh bởi những clip dạy hư trên YouTube”.
Đã ba ngày qua, đứa con gái nhỏ vừa bước vào lớp 1 của chị Mai Anh, ngụ quận 12 liên tục khóc nhè, trốn học. Chẳng qua bé đã quen với việc học online, khi phải vào học trực tiếp, bé cảm thấy áp lực, mệt mỏi. Cô giáo mắng các bạn trong lớp bé cũng hoảng hốt, khóc nhè tới mức bị chóng mặt thường xuyên. “Con sợ lắm, chóng mặt quá mẹ cho con về đi”, bé khóc và đòi mẹ cho về. Sau khi khám bệnh, bác sĩ chuyên khoa kết luận bé bị rối loạn tiền đình.
Thoáng buồn, chị Mai Anh cho hay: “Tội nghiệp, áp lực quá nên nó thế. Suốt thời gian học trực tuyến, nó có bị sao đâu, vì ở nhà nó khỏe re, hát hò vui lắm. Thấy con cái hàng xóm ngoan hiền, chăm chỉ học hành mà ham. Hôm trước bực quá, mình đánh con nhỏ sưng mông vì cái tội trốn học và hay hỏi nhiều”.
Bà Nguyễn Thị Tươi, nhà gần đó kể lại, vợ chồng con trai bà dữ đòn lắm, nên cháu bà “ăn roi” như cơm bữa. Hàng xóm cạnh nhà cũng thế, có ông kia đánh cháu nội suốt ngày để… dạy nó. Vì lý do đứa nhỏ hỏi nhiều quá làm mất thời gian ăn nhậu, tám chuyện với hàng xóm của ông. Chẳng hạn như, có lúc nó hỏi con sinh ra từ đâu? Tại sao dây điện lại dẫn được điện? Con thích một bạn trong lớp thì phải làm sao?…
“Cũng buồn nhưng góp ý không được. Trẻ con nó nhạy cảm lắm. Ai yêu thương nó biết liền. Ngược lại, người lớn dữ đòn quá chỉ phản tác dụng, vì đòn roi khó giáo dục trẻ thành người”, bà Nguyễn Thị Tươi nói.
Kiên nhẫn, bao dung với trẻ
Thực ra, những đứa trẻ hỏi nhiều đều là những đứa bé thông minh. Chẳng qua chỉ vì độ tuổi còn thơ, đầu óc ham tìm hiểu, khám phá mọi thứ lạ lẫm xung quanh nên muốn tìm hiểu kỹ mà thôi. Nhưng không phải phụ huynh nào cũng đủ kiên nhẫn, bao dung với trẻ. Lắng nghe con, tâm sự cùng con không phải chuyện dễ dàng.
Chị Lê Oanh kể lại, hôm trước con gái chị bất ngờ hỏi bé được sinh ra từ đâu? Ngạc nhiên nhưng bình tĩnh, chị nói con được bác sĩ mổ bụng mẹ đem ra (vì chị sinh mổ). Nghe nói vậy, bé thương lắm, xuýt xoa và động viên mẹ. Hôm khác bé lại hỏi, thế sau này con không lấy chồng, không sinh con có được không? Lần này chị Oanh phì cười vì tâm sự ngây ngô ấy.
“Được. Cón có quyền lấy chồng hoặc không. Việc sinh con cũng do con tự quyết định”, chị Oanh nói. Bé nhỏ chợt trả lời mẹ: “Mẹ còn đút con ăn thì sao con nuôi được con của con. Thôi, để lớn rồi tính”.
Nghe câu chuyện dễ thương mà chị Lê Oanh kể lại, chợt nhận ra đôi khi đứa trẻ mong muốn được người lớn tâm sự, chia sẻ những suy nghĩ của mình chứ không phải muốn nghe câu trả lời (thật chính xác). Cũng như một anh bạn đồng nghiệp nọ kể lại, tối hôm trước hai vợ chồng đang “thân mật”, bỗng bị con gái 8 tuổi phát hiện.
Cô bé ngây ngô hỏi rằng ba mẹ đang làm gì đó. Rất nhanh trí, anh đồng nghiệp trả lời rằng ba mẹ đang chuẩn bị nặn một em bé khác tặng con. Nghe xong cô bé cười vui vẻ và tỏ ra rất hài lòng, do trước đó bé cũng thích em lắm. Rõ ràng, cách ứng xử của người ba rất thông minh, giúp “cứu nguy” một bàn thua trông thấy. Nếu ở những cặp vợ chồng có khi nổi khùng khiến đứa trẻ no đòn.
Với trẻ nhỏ, người lớn cần thật bình tĩnh, kiên nhẫn và biết lắng nghe. Trẻ nhỏ được yêu thương, vỗ về sẽ giúp các bé thông minh, phát triển tốt hơn. Đúng như các chuyên gia giáo dục nhận định, trẻ được chăm sóc tốt sẽ giúp hoàn thiện nhân cách, dễ hòa nhập với cộng đồng, xã hội.