Tầm soát tim mạch sau mắc Covid-19

Theo các chuyên gia y tế, hiện nay tình trạng người khỏi Covid-19 gặp vấn đề về tim mạch chiếm tỷ lệ cao. Đáng lo ngại, Covid-19 tác động nhiều đến hệ tim mạch, nhất là ở bệnh nhân mắc các bệnh nền như tăng huyết áp, mạch vành.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại Khoa Hồi sức và phục hồi chức năng sau Covid-19, Bệnh viện Thống Nhất, chị L.T.K.T. (51 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM) chia sẻ: “Sau khi khỏi Covid-19, tôi trở về nhà chưa được bao lâu thì đã cảm thấy mệt mỏi, tim hay đập liên hồi, đánh trống ngực. Mỗi lần đứng dậy hay khom người thì tim đập rất nhanh”. Chị T. được các bác sĩ chẩn đoán bị chứng loạn nhịp tim sau khi khỏi Covid-19.

Theo PGS-TS-BS Hồ Thượng Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, virus SARS-CoV-2 xâm nhập tế bào thông qua thụ thể ACE2, thụ thể này có nhiều trong hệ thống tim và mạch máu, nên Covid-19 tác động mạnh mẽ lên hệ tuần hoàn. Do đó, trong và sau khi mắc Covid-19, bệnh nhân sẽ có tỷ lệ biến chứng tim mạch cao. Có thể nói, các bệnh về tim mạch rất phổ biến ở trường hợp hậu mắc Covid-19.

ThS-BSCK1 Nguyễn Thành Luân, chuyên ngành tim mạch lồng ngực, thông tin, khi khỏi Covid-19, nếu gặp phải các triệu chứng mệt mỏi nhiều, đau ngực, khó thở, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh khi đứng, nhịp tim không đều, chúng ta cần nghĩ ngay đến vấn đề tim mạch. Khi cảm thấy khó thở, chúng ta nên đi kiểm tra sức khỏe. Các triệu chứng này đi kèm với mệt mỏi hoặc có phù ở chân. Khi mắc Covid-19, bệnh nhân phải theo dõi sức khỏe sát sao và tuân thủ điều trị ngay từ đầu, nhất là bệnh nhân trung bình và nặng. Việc điều trị thuốc kháng virus, thuốc kháng đông, kháng viêm đúng thời điểm sẽ làm giảm các biến cố tim mạch ở người mắc. Ở giai đoạn hậu Covid-19, chúng ta nên đến khám tim mạch 3-6 tháng sau khi mắc. 

Mỗi lứa tuổi sẽ có các phương pháp tầm soát khác nhau. Nên tầm soát định kỳ để phát hiện và xử lý sớm. Khi phát hiện bệnh sớm, bác sĩ sẽ lựa chọn phương án tốt nhất cho bệnh nhân. Do đó, việc kiểm tra sức khỏe hậu Covid-19 đóng vai trò rất quan trọng.

Tin cùng chuyên mục