Báo cáo viên đến từ Viện Di truyền Y học – Gene Solutions đã trình bày bài “Ứng dụng công nghệ gen trong tầm soát sớm ung thư”, trong đó nổi bật là việc ứng dụng công nghệ SPOT-MASTM trong tầm soát sớm ung thư. Công nghệ này hiện đang là xu hướng toàn cầu trong tầm soát ung thư ở giai đoạn sớm và được các quốc gia phát triển đặt kỳ vọng cao để có thể triển khai trên diện rộng trong một tương lai rất gần. Với ưu điểm không xâm lấn và đơn giản với chỉ một thu máu qua đường tĩnh mạch, SPOT-MAS cho phép phát hiện sớm 5 loại ung thư phổ biến nhất gồm: gan, phổi, vú, đại trực tràng và dạ dày.
TS-BS Nguyễn Duy Sinh (Viện Di truyền Y học – Gene Solutions) lưu ý, phân tích ctDNA không giúp phát hiện được tất cả các bệnh ung thư và nên được dùng bổ sung, chứ không thay thế các phương pháp chẩn đoán là chuẩn vàng trong y học hiện nay. Công nghệ này cũng có những tiêu chuẩn lựa chọn và loại trừ bệnh nhân nhất định chứ không áp dụng cho tất cả những người có nhu cầu.
PGS-TS Nguyễn Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Chủ tịch Hội Y học TP Hồ Chí Minh cho biết, việc ứng dụng công nghệ SPOT-MASTM cho thấy một xu hướng mới trong chẩn đoán và phát hiện sớm ung thư, là cơ hội cho nhiều người dân Việt Nam có thể tiếp cận, ngăn chặn ung thư từ sớm.
Tại hội nghị, Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp cùng Viện Di truyền Y học - Gene Solutions triển khai tầm soát, phát hiện sớm 5 loại ung thư phổ biến cho hơn 200 hội viên tham dự hội nghị với công nghệ SPOT-MASTM - ứng dụng kỹ thuật giải trình tự gen thế hệ 2 phát hiện DNA tế bào ung thư do khối u phóng thích vào trong máu (ctDNA).
Với hoạt động thiết thực này, Tổng hội Y học Việt Nam mong muốn nâng cao nhận thức, nhất là lan tỏa thói quen tầm soát sớm ung thư cho cộng đồng để hướng đến một xã hội không còn nỗi lo ung thư – hiện đã trở thành một gánh nặng y tế lớn cho xã hội.