Bệnh có thể gây mù lòa
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), glôcôm (còn gọi là bệnh cườm nước hoặc thiên đầu thống) là bệnh lý thần kinh thị giác, bệnh gây mù không hồi phục. Thế giới có khoảng 80 triệu người mắc bệnh (năm 2020), và các chuyên gia nhãn khoa dự báo sẽ có 111,8 triệu người bệnh vào năm 2040. Hiện chưa có biện pháp chữa khỏi hoàn toàn.
Ở Việt Nam, số liệu thống kê của Viện Mắt Trung ương ghi nhận trên 380.000 người mù hai mắt, trong đó có hơn 24.000 người bị mù lòa do glôcôm (chiếm 65% và đứng thứ hai sau bệnh lý đục thủy tinh thể). Đa số bệnh nhân glôcôm không nhận biết mình mắc bệnh cho đến khi mắt ở tình trạng nặng, ảnh hưởng đến thị lực trung tâm.
Một vấn đề đáng báo động là người dân tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt, không có chỉ định của thầy thuốc khiến cho mắt có thể bị glôcôm do nhỏ glucocorticoid kéo dài (một loại thuốc kháng viêm được chỉ định trong nhiều bệnh lý khác nhau). Các loại thuốc nhỏ mắt trên thị trường còn có chứa steroids để điều trị chứng ngứa, khô mắt, viêm kết mạc. Nếu dùng những thuốc này thời gian dài, mắt có thể bị glôcôm.
Bác sĩ Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Mắt TPHCM, chụp ảnh màu gai thị cho người bệnh bằng phần mềm EyeDr |
BS-CKII Trang Thanh Nghiệp, Trưởng khoa Glaucoma, Bệnh viện Mắt TPHCM, cho biết, nguyên nhân hàng đầu của bệnh glôcôm là sự tích tụ một lượng nước (thủy dịch) không thoát ra khỏi mắt, làm tăng áp lực trong mắt. Thông thường, khi một lượng nước thoát ra khỏi mắt và được thay thế bằng một lượng nước mới, mà mắt sản xuất liên tục, tuy nhiên, khi có nguy cơ mắc glôcôm thì đường thoát lưu góc không ổn, lượng nước tạo ra sẽ được giữ lại trong mắt, tích tụ dần sẽ làm tăng áp lực lên dây thần kinh thị giác. Các sợi dây thần kinh thị giác bắt đầu chết do áp lực tăng cao và theo thời gian, tất cả các sợi dây thần kinh đều chết, gây mù hoàn toàn.
Chẩn đoán bệnh… không cần bác sĩ
Hiện tại, tỷ lệ phát hiện bệnh glôcôm ở nước ta còn thấp do chưa có phương pháp khám tầm soát phù hợp kịp thời, nhất là ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Trước thực tế đó, TS Phạm Thị Thủy Tiên, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng, Bệnh viện Mắt TPHCM, và cộng sự thực hiện nghiên cứu để cho ra đời giải pháp “Tầm soát bệnh glôcôm bằng chụp ảnh màu gai thị với phần mềm trí tuệ nhân tạo EyeDr”. Phần mềm EyeDr được nhóm nghiên cứu triển khai cấu tạo bởi 2 thành phần chính, gồm hệ thống máy học và phần mềm hỗ trợ khám tầm soát.
Hệ thống máy học được tích hợp nhiều trên nền tảng điện toán đám mây, thu thập trí tuệ của các chuyên gia là bác sĩ nhãn khoa đầu ngành về bệnh glôcôm trong nước, tạo thành một hệ thống có khả năng nhận diện và phân loại bệnh glôcôm trên ảnh chụp màu gai thị. Hệ thống này hoạt động liên tục 24/24 và có trách nhiệm phản hồi kết quả cho hệ thống phần mềm hỗ trợ khám tầm soát.
Phần mềm hỗ trợ khám tầm soát là một bộ công cụ xây dựng trên đa nền tảng, cho phép thực hiện đầy đủ quy trình khám tầm soát bệnh tại bệnh viện; với các chức năng từ tiếp nhận bệnh nhân, khai thác các chỉ số sinh hiệu, quản lý hình ảnh y khoa, khảo sát bệnh trên ảnh cho đến báo cáo thống kê.
Đặc biệt; chức năng khảo sát bệnh trên ảnh là một công cụ đắc lực giúp bác sĩ khảo sát đặc trưng bệnh glôcôm trên ảnh chụp màu gai thị, bao gồm: tự động nhận diện và khoanh vùng mô tả vùng đặc trưng glôcôm theo màu sắc, biểu diễn cụ thể các chỉ số, yếu tố liên quan đến bệnh, qua đó gợi ý chẩn đoán phân loại bệnh theo mức độ; đồng thời đưa ra gợi ý khuyến cáo người bệnh nên thực hiện các bước chăm sóc sức khỏe gì tiếp theo.
Giải pháp EyeDr được Hội đồng Khoa học công nghệ TPHCM và Hội đồng Y đức Bệnh viện Mắt TPHCM thông qua, cho phép đưa vào áp dụng thực tiễn tại bệnh viện vào tháng 3 với trên 110 người được chụp tầm soát. Kết quả lâm sàng cho thấy, đo đạt độ tin cậy 95%, độ nhạy 95,52% trên tập dữ liệu hơn 2.000 ảnh thực nghiệm, thời gian thực hiện trên 1 ảnh màu gai thị trung bình khoảng 8-12 giây.
“Ứng dụng này nhanh hơn rất nhiều so với mức 45 giây khi BS nhãn khoa chuyên về glôcôm thăm khám, hay 6-8 phút đối với BS nhãn khoa thông thường. Các trung tâm y tế, bệnh viện chỉ cần trang bị phần mềm EyeDr là hoàn toàn có thể tầm soát sớm glôcôm cho bệnh nhân mà không cần sự hiện diện trực tiếp của BS nhãn khoa chuyên về glôcôm”, TS Phạm Thị Thủy Tiên cho biết.