Hội nghị là nơi để các đơn vị chia sẻ kinh nghiệm, những vướng mắc, khó khăn cũng như những thuận lợi để cùng nhau hướng đến một nền kinh tế xanh, tuần hoàn và bảo vệ môi trường.
Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, những năm qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, đường lối, chính sách nhằm chuyển đổi nền kinh tế sang nền kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển dịch năng lượng, hướng đến một nền kinh tế xanh, tuần hoàn và phát triển bền vững.
Tại Hội nghị lần thứ 26, các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP26 diễn ra năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải khí nhà kính ròng bằng "0" vào năm 2050.
Tại COP28, Việt Nam một lần nữa tái khẳng định điều này thông qua việc xây dựng và thực hiện các chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng hệ sinh thái năng lượng tái tạo; nghiêm túc theo đuổi cam kết quốc gia tự quyết định, chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và nhiều hoạt động khác nhằm giảm thiểu phát thải carbon.
Theo bà Nguyễn Thị Lâm Giang, ngày 8-6-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo. Chỉ thị đề ra mục tiêu tiết kiệm mỗi năm 2% điện năng tiêu thụ cũng như xác định các giải pháp mà các bộ, ngành, địa phương và các đối tượng sử dụng điện phải thực hiện để đảm bảo thực hiện được các mục tiêu đề ra.
Trong bối cảnh kể từ năm 2015, Việt Nam đã chuyển từ nước xuất khẩu năng lượng sang nhập siêu về năng lượng và ngày càng phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch nhập khẩu; việc đầu tư phát triển các dự án nguồn và lưới điện đỏi hỏi nguồn lực rất lớn của xã hội; và các nguồn năng lượng tái tạo có giá thành còn cao cũng như bị giới hạn về tỷ trọng công suất trong hệ thống điện do các rào cản kỹ thuật trong việc vận hành ổn định hệ thống.
“Vì vậy, việc sử dụng điện, năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng điện, bảo vệ nguồn tài nguyên năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu”, bà Nguyễn Thị Lâm Giang nhấn mạnh.
Tại hội nghị có nhiều tham luận được trình bày như: Chương trình VNEEP3: Một số kết quả đến năm 2024, định hướng năm 2025 và các năm tiếp theo; Định hướng sửa Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai chương trình, dự án về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn TP Đà Nẵng; Xây dựng định mức sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành nhựa; Xu hướng và triển vọng thị trường điều hòa không khí hiệu suất năng lượng cao, thân thiện môi trường; Chia sẻ kinh nghiệm triển khai tiết kiệm năng lượng điện trong ngành thép...
Trong khuôn khổ sự kiện, Bộ Công Thương và Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) đã phát động cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng”. Cuộc thi nằm trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng” (AIS4EE) thuộc Chương trình Chuyển dịch năng lượng bền vững Việt Nam - EU (SETP) do Liên minh châu Âu tài trợ cho Bộ Công Thương.
Dự kiến sẽ lựa chọn tối đa 30 đội thi tốt nhất (gồm 15 doanh nghiệp khởi nghiệp và 15 nhóm học sinh, sinh viên) tham gia chương trình huấn luyện và đào tạo trong vòng 9 tuần, với sự dẫn dắt của các chuyên gia, cố vấn trong lĩnh vực khởi nghiệp và năng lượng.
Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi lên đến 35.000 USD cho các nhóm các doanh nghiệp khởi nghiệp và 10.000 USD cho nhóm học sinh - sinh viên khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, các đội thi có cơ hội tham gia các hoạt động gọi vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước và quốc tế, bao gồm khoản đầu tư lên đến 1 triệu USD từ quỹ Touchstone Partners và các khoản đầu tư tiềm năng từ các quỹ đầu tư đối tác.