Theo công bố chính thức của Cục Hàng hải và Cảng Singapore (MPA), trọng tải tàu cập cảng hàng năm tại Cảng Singapore vào ngày 25-12-2023 đạt mức kỷ lục 3 tỷ GT (Gross tonnage), tăng từ mức 2,83 tỷ GT trong năm 2022. Bước đột phá 3 tỷ GT trong ngành vận tải biển của Singapore là dấu mốc cực kỳ quan trọng trong bối cảnh hàng hải toàn cầu rơi vào suy thoái từ năm 2016 và sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong thời kỳ đại dịch Covid-19.
Việc đầu tư lớn vào phần cứng, cơ sở hạ tầng, công nghệ và hệ điều hành đã giúp Singapore đạt được thành quả như trên, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức nghiệp đoàn, ngành hàng hải và chính phủ. Theo ông Teo Eng Dih, Giám đốc điều hành MPA, Singapore cần tiếp tục nâng cao hiệu quả và an toàn cho cảng. Chẳng hạn, mở rộng Nền tảng điều phối và lập kế hoạch đúng lúc (JIT) cho các tàu ghé cảng PSA và Cảng Jurong, để tiếp nhận tàu chở dầu và tất cả tàu tại các khu neo đậu và cung cấp thông tin lịch trình, nhằm giảm thời gian chờ đợi và tiêu thụ nhiên liệu, tiết kiệm chi phí và giảm lượng khí thải.
Bên cạnh đó, cảng Pasir Panjang được trang bị hệ thống cần cẩu nước sâu 18m có tầm với trên 24 hàng container và hệ thống cần cẩu sân bãi chạy điện hoàn toàn tự động được thiết kế để phục vụ các tàu container lớn nhất thế giới. Singapore cũng tiếp tục xây dựng cơ sở Cảng Tuas mới quy mô lớn, giúp tăng công suất container lên hơn 2/3 và tiếp tục dẫn đầu thế giới về cảng trung chuyển với gần 80% lượng hàng hóa di chuyển khắp châu Á...
Một động thái khác nữa của Singapore là cuộc đối thoại mang tên “Forward Singapore” (Tiến lên Singapore) khởi động vào tháng 6-2023, được Phó Thủ tướng Lawrence Wong và các nhà lãnh đạo chính trị thế hệ thứ tư (4G) khác chủ trì. Trong thông điệp nhân năm mới Dương lịch, Thủ tướng Lý Hiển Long mô tả đây là lộ trình “đầy tham vọng”, đặc biệt “trong thời đại thay đổi nhanh chóng cả bên ngoài và bên trong”. Ông nói: “Nhiều xã hội lớn hơn đã trở nên chia rẽ và suy yếu vì các vấn đề khó khăn không được giải quyết một cách trực tiếp và hiệu quả, các nhóm lợi ích đối địch chen lấn nhau và các nhà lãnh đạo đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của quốc gia”. Là một đảo quốc nhỏ bé, Singapore không thể phạm những sai lầm tương tự và chịu những hậu quả tương tự mà phải nỗ lực hơn bao giờ hết để giữ xã hội đoàn kết và củng cố ý thức về bản sắc và tinh thần dân tộc.
Forward Singapore đã diễn ra trong suốt 16 tháng, quy tụ hơn 200.000 người Singapore qua các buổi đối thoại trực tiếp hay tương tác gián tiếp cũng như các cuộc khảo sát, chương trình biểu diễn lưu động và nền tảng kỹ thuật số. Báo cáo về Forward Singapore được đích thân Phó Thủ tướng Lawrence Wong công bố vào cuối tháng 10-2023, đã tổng hợp các mong muốn của người dân về một xã hội trong tương lai.
Báo cáo cũng nêu rõ cách chính phủ sẽ làm việc với người dân để đổi mới khế ước xã hội. Các khuyến nghị và những thay đổi chính sách quan trọng được xây dựng dựa trên đề xuất của người dân Singapore và các bên liên quan. Nhưng thật ra, những cam kết của chính phủ với người dân đã được chính phủ đưa ra ngay từ thời điểm khi Forwad Singapore mới bắt đầu khởi động. Lộ trình phát triển kinh tế-xã hội của Singapore đã được tổ chức 6 trụ cột và từng trụ cột sẽ được đích thân các nhà lãnh đạo 4G phụ trách. Chẳng hạn như “Trao quyền” sẽ do 3 Bộ trưởng Bộ Nhân lực, Tổng thư ký Nghiệp đoàn và Bộ trưởng Bộ Bền vững và Môi trường chịu trách nhiệm theo dõi và chỉ đạo.
Trong năm 2023, kinh tế Singapore chỉ tăng trưởng 1,2% và may mắn không rơi vào suy thoái trong bối cảnh những bất ổn địa chính trị tiếp tục đè nặng lên kinh tế toàn cầu. Trong thông điệp mừng năm mới, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết GDP trong năm 2024 sẽ tăng 1-3% nhưng điều này phụ thuộc rất nhiều vào môi trường bên ngoài. Những căng thẳng và rủi ro liên quan đến tình hình an ninh ở các vùng biển trong khu vực sẽ ảnh hưởng tăng trưởng. Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng sẽ có tác động đến nền kinh tế. Singapore cần thích ứng và chuẩn bị cho tình trạng nhiệt độ và mực nước biển tăng cao, đồng thời chuyển đổi nền kinh tế sang mức phát thải carbon bằng không và kéo theo chi phí tốn kém.
Tuy nhiên, bất chấp những cơn gió ngược này, Singapore có lý do để hy vọng và tự tin bởi lẽ tiến bộ công nghệ nhanh chóng, đặc biệt là về trí tuệ nhân tạo và robot sẽ mang lại nhiều hứa hẹn cho doanh nghiệp và người dân. Thủ tướng cho biết chính phủ sẽ hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp để nâng cấp và chuyển đổi hoạt động, đồng thời giúp người dân nâng cao và đào tạo lại kỹ năng để duy trì khả năng được tuyển dụng và cạnh tranh.
Thời gian sẽ là câu trả lời cho những giải pháp chính phủ Singapore đưa ra trước tương lai đầy bất định, nhưng Singapore sẽ cầm chắc thất bại nếu không có những nhà lãnh đạo kỹ trị có tầm nhìn xa và toàn tâm toàn ý cho đất nước. Đó cũng là lý do khiến Thủ tướng Lý Hiển Long kêu gọi người dân ủng hộ tiến trình chuyển giao lãnh đạo khi ông dự định rời ghế Thủ tướng vào tháng 11-2025.