Hầu hết các nhà làm phim Việt Nam đều đổ dồn về Đà Nẵng với không khí háo hức từ ngày khai mạc. Nhìn ở khía cạnh tổ chức, DANAFF cho thấy những nỗ lực nhằm tạo các tiền đề cho một LHP mang chuẩn quốc tế.
LHP cũng có đầy đủ các hạng mục từ phim dự thi, không dự thi, cho đến chuỗi các hoạt động hội thảo, workshop (buổi chia sẻ, thảo luận), chiếu phim miễn phí cho khán giả... Một số khách mời quốc tế có tên tuổi đã có mặt trong danh sách ban giám khảo các hạng mục, các workshop.
DANAFF I có chủ đề Nhịp cầu châu Á với mục tiêu đề cao tinh thần “Việt Nam hội nhập” và quảng bá hình ảnh Việt Nam năng động, nhộn nhịp thông qua cầu nối là TP Đà Nẵng, bằng lăng kính điện ảnh để giới thiệu sự phát triển của Việt Nam với nhiều điểm đến cho bạn bè quốc tế.
Không ít nhà làm phim mong muốn sự kiện điện ảnh mới này sẽ là một “Busan” (LHP quốc tế đình đám của Hàn Quốc - PV) tiếp theo của điện ảnh Việt trong tương lai. Thiết nghĩ, điều này không phải mộng tưởng nhưng để hiện thực hóa và nâng tầm thương hiệu, cần nhiều thời gian.
Một tín hiệu đáng mừng, đó là Luật Điện ảnh có hiệu lực từ đầu năm 2023 đến nay đã cho phép ngoài cơ quan nhà nước ở trung ương, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, UBND cấp tỉnh được tổ chức LHP, LHP chuyên ngành, chuyên đề, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim (Điều 38) nếu đáp ứng đủ các điều kiện.
Điều này có nghĩa là quy định đã rất cởi mở so với trước đây, có sự thay đổi mang tính kịp thời. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào tầm nhìn, nội lực của các tổ chức, địa phương nhằm tạo ra thêm những sân chơi mới cho những người hoạt động điện ảnh.
Đối với TPHCM, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết, năm 2024 thành phố sẽ lần đầu tiên tổ chức LHP quốc tế và mục tiêu là sẽ thực hiện định kỳ. Đề án đang được xây dựng, trong đó đặc biệt chú trọng việc tìm kiếm các đối tác để có thể tổ chức một LHP vừa mang dấu ấn, bản sắc địa phương nhưng vẫn đảm bảo đúng chuẩn quốc tế.
Thực tế, điện ảnh Việt hiện nay cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay một số giải thưởng quen thuộc: LHP quốc tế Hà Nội, LHP Việt Nam (2 năm/lần), giải thưởng Cánh diều, Ngôi sao xanh… Một số đơn vị cũng tổ chức các cuộc thi làm phim, kịch bản… nhưng quy mô còn nhỏ, hoặc mang tính đặc thù. Do đó, với một thị trường đang lên, còn nhiều tiềm năng để phát triển như Việt Nam thì những sự kiện điện ảnh tầm cỡ vẫn luôn rất thiếu và rất cần.
Nhìn sang các quốc gia trong khu vực châu Á, ngoài những LHP đã có thương hiệu, được xếp vào hạng A, như: LHP quốc tế Tokyo, Busan, Thượng Hải… ngày càng có nhiều hơn các LHP quốc tế gắn liền với các địa phương.
Nhận định “không ngành công nghiệp văn hóa nào có thể cạnh tranh với công nghiệp phim” của ông Stephen Jenner, Phó Chủ tịch truyền thông khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ tại hội thảo “Phát triển công nghiệp điện ảnh - Xây dựng môi trường làm phim thuận lợi tại Đà Nẵng” trong khuôn khổ DANAFF I không phải không có căn cứ.
Rõ ràng, LHP không chỉ là ngày hội để vinh danh người làm điện ảnh. Đó còn là cơ hội để gặp gỡ, trao đổi về kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác sản xuất. Và quan trọng không kém, nó còn tạo ra giá trị về kinh tế rất lớn. Bài học từ LHP Cannes với những tour du lịch hạng sang vẫn luôn được nhắc đến.
Tổ chức các sự kiện điện ảnh mang quy mô và chuẩn quốc tế rõ ràng là tầm nhìn quan trọng trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh có những bước tiến dài. Từ tầm nhìn cho đến thực tiễn và quan trọng hơn, để khẳng định được thương hiệu chắc chắn là cả hành trình dài.
Nhưng chẳng phải chính những LHP có tuổi đời 70, 80 năm như Cannes, Berlin, Venice… đều phải được hình thành từ những viên gạch đầu tiên, thậm chí vẫn trải qua nhiều thăng trầm dù đã có vị thế dẫn đầu. Chính vì lẽ đó mà nền điện ảnh luôn cần có tầm nhìn và vị thế!