Tầm nhìn quy hoạch, phát triển giao thông

Chưa bao giờ yêu cầu phát triển giao thông của vùng Đông Nam bộ lại trở nên cấp thiết như hiện nay khi hạ tầng giao thông được xác định là “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Do đó, tầm nhìn trong quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông là rất quan trọng, bởi thực tế nhiều tuyến đường đã nhanh chóng quá tải chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào khai thác.

Đầu tiên là tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây nằm trong trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Từ khi đưa vào khai thác (tháng 2-2015) tuyến cao tốc này đã giúp giảm bớt tình trạng kẹt xe trên tuyến quốc lộ 1A đi qua TPHCM và rút ngắn thời gian lưu thông, tăng kết nối liên vùng giữa các tỉnh cực Nam Trung bộ, Đông Nam bộ với các tỉnh miền Tây Nam bộ. Nhờ có tuyến đường này mà thời gian di chuyển từ TPHCM đi Bà Rịa - Vũng tàu cũng được rút ngắn đáng kể so với di chuyển qua TP Biên Hòa theo quốc lộ như trước đây.

Thế nhưng, cũng chỉ sau vài năm đưa vào khai thác, tuyến đường này đã rơi vào tình trạng quá tải, tình trạng kẹt xe diễn ra thường xuyên, nhất là vào dịp lễ, tết hoặc thứ bảy, chủ nhật. Lúc này, nhiều người mới nhận ra tầm nhìn 6 làn xe (gồm mỗi bên 2 làn và một làn dừng khẩn cấp) đã nhanh chóng lạc hậu so với lưu lượng xe tăng cao và việc thi công luôn một lần ngay từ đầu mỗi bên 8 làn xe mới là phù hợp thực tế. Và việc đặt trạm thu phí ở vị trí như hiện nay (ngay đầu cầu Long Thành) càng khiến cảnh ùn tắc xe cộ xảy ra như cơm bữa trên tuyến đường này.

Cạnh đó là quốc lộ 51 - tuyến đường huyết mạch nối các trung tâm công nghiệp của vùng là Bình Dương, Đồng Nai với cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải và thành phố biển Vũng Tàu cũng xuống cấp, quá tải. Do đó, dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã ra đời. Mục tiêu ban đầu là đưa dự án vào sử dụng năm 2018 để giảm bớt áp lực giao thông cho quốc lộ 51, nhưng Bộ GT-VT triển khai quá ì ạch, mãi đến cuối năm 2023 mới khởi công. Lý do chính cũng vì tính toán của các nhà thiết kế giao thông không theo kịp tốc độ phát triển của phương tiện - tức tầm nhìn không theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội chung của cả vùng Đông Nam bộ.

Với Bình Dương, địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp, đô thị hàng đầu cả nước, tỉnh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn và cũng được xem là điểm sáng trong bức tranh giao thông của cả vùng. Nhưng chỉ sau 1 năm đưa vào sử dụng thì tuyến đường cũng bắt đầu quá tải. Nếu các nhà tư vấn dự báo, thiết kế đúng lưu lượng xe và thiết kế thi công 2-3 nút giao khác mức với các trục đường lớn thì sẽ giảm đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông trên toàn tuyến.

Với dự án sân bay Long Thành, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng đã chính thức đề xuất Bộ GTVT trình Chính phủ và Quốc hội xin chủ trương xây dựng thêm một đường cất/hạ cánh thứ 2, triển khai ngay trong giai đoạn 1 để không ảnh hưởng đến việc khai thác sân bay và phòng ngừa khi máy bay gặp sự cố chiếm dụng đường cất/hạ cánh hoặc các sự cố thiên tai… thì không phải tạm dừng khai thác để khắc phục. Đồng thời, ACV cũng kiến nghị cho triển khai san lấp mặt bằng khu vực nhà ga hành khách T3 của sân bay Long Thành ngay trong giai đoạn 1 để không gây bụi, ảnh hưởng đến an toàn bay, tầm nhìn của phi công… khi sân bay này đi vào hoạt động.

Tin cùng chuyên mục