Về tiềm năng, lợi thế, Nghị quyết 26 nhìn nhận vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ là 1 trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước; gồm 14 tỉnh, thành phố từ tỉnh Thanh Hóa đến tỉnh Bình Thuận; là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước với thềm lục địa rộng lớn, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; có điều kiện giao thông thuận lợi nhất trong các vùng của cả nước với đường sắt Bắc - Nam dài hơn 700km, nhiều cảng biển, cảng hàng không quốc tế lớn và hành lang kinh tế Đông - Tây gắn kết với Lào, Campuchia, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar; là khu vực có điều kiện mở rộng giao lưu kinh tế, gần đường hàng hải quốc tế, cửa ngõ của các tỉnh Tây Nguyên…
Nghị quyết 26 ra đời trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ. Tuy nhiên, nói Nghị quyết 26 mở ra tầm nhìn mới cho không gian phát triển toàn vùng, là vì chứa đựng cả kỳ vọng của Trung ương và các tỉnh, thành trong khu vực miền Trung, đặt ra yêu cầu bức thiết liên kết vùng một cách thực chất, hiệu quả hơn, từ quy hoạch, đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, chuỗi đô thị, du lịch, các khu kinh tế, khu công nghiệp, logistics…
Đó là tầm nhìn mở, với không gian rộng, bao quát từ biển lên rừng, từ đất liền ra hải đảo, từ mặt đất đến bầu trời. Đó cũng là tư duy động, tức không đóng kín bởi sự chia cắt do địa lý và quy hoạch phát triển của mỗi tỉnh, thành khác nhau, “mạnh ai nấy chạy” trong cuộc cạnh tranh khai thác tiềm năng, lợi thế dẫn đến trùng lặp về đầu tư, lãng phí nguồn lực và tài nguyên.
Thực ra, liên kết vùng không phải là vấn đề mới với Nghị quyết 26. Nhiều chủ trương, nghị quyết trước đây, kể cả nhiều báo cáo tổng quan Việt Nam đã đưa ra các khuyến nghị tìm động lực phát triển mới sau chặng đường đổi mới từ quy hoạch vùng đến quốc gia. Riêng ở miền Trung, đã có nhiều hội thảo, hội nghị, diễn đàn về phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở liên kết vùng.
Như tại Diễn đàn kinh tế miền Trung lần thứ 2 năm 2017 tổ chức tại Đà Nẵng, quy tụ hơn 600 chuyên gia, cố vấn hàng đầu của Chính phủ, cùng lãnh đạo các tỉnh, thành trong khu vực, đã thảo luận khá sâu về liên kết vùng, nêu rõ rằng các khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Vân Phong là những hạt nhân trung tâm phát triển lớn của vùng, trong khi Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn, Nha Trang phải trở thành các trung tâm du lịch, thương mại và giao dịch quốc tế của vùng và cả nước.
Trải qua nhiều diễn đàn, hội thảo, gần như xu thế phát triển tất yếu đòi hỏi nhu cầu về liên kết vùng đã được phân tích rõ. Tuy nhiên, những ban điều phối, những hội đồng vùng, rồi những hoạch định chung chung không làm nên một sự thay đổi có tính đột phá nào cho cả vùng. Cuối cùng là sự tụt hậu ngày càng xa của miền Trung với hai đầu đất nước về tốc độ phát triển, về các chỉ số kinh tế ngành, về thu nhập dân cư, về điều kiện phát triển văn hóa, xã hội… Thiếu “nhạc trưởng” điều phối hiệu quả, dàn hợp xướng vẫn dàn hàng ngang trình diễn, “mặt tiền” của dải đất nhìn ra Biển Đông vẫn trồi sụt với nhịp điệu tăng trưởng không bền vững.
Do vậy, lần này với Nghị quyết 26, hy vọng sẽ có “cây gậy” chỉ huy từ 7 giải pháp nền tảng bao quát cả thể chế, chính sách, liên kết vùng về quy hoạch, hạ tầng giao thông và kết nối các khu kinh tế, thúc đẩy kinh tế biển, phát triển chuỗi đô thị, du lịch, cả xây dựng hệ thống chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh… Tầm nhìn mới, mở và động này hàm chứa biết bao suy tư và trăn trở cho vùng đất, con người nằm ở “thắt lưng” đất nước gánh chịu nhiều gian lao. Một nghị quyết của niềm tin và hy vọng, thêm cánh cửa mở cho miền Trung.