Tầm nhìn của GCC vạch ra các trụ cột chính gồm: an ninh, phát triển kinh tế, các mối quan tâm về môi trường và nỗ lực loại bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt ở vùng Vịnh, nêu bật vai trò quan trọng của quản lý rủi ro hạt nhân trong an ninh khu vực…
Tầm nhìn chiến lược dựa trên các nguyên tắc của Hiến chương GCC và luật pháp quốc tế, nhấn mạnh đến an ninh liên kết giữa các quốc gia thành viên trong bối cảnh bất ổn khu vực và toàn cầu.
Được thành lập năm 1981, GCC có 6 quốc gia thành viên gồm: Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Saudi Arabia, Oman, Qatar và Kuwait. Lần đầu tiên trong lịch sử 43 năm của mình, khối đã đặt ra tầm nhìn chiến lược ưu tiên ngoại giao và đối thoại hơn vũ lực để tăng cường an ninh và ổn định khu vực.
Sáng kiến mang tính bước ngoặt này đánh dấu sự thay đổi đáng kể so với các chiến lược trước đây, nhấn mạnh việc giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình là điều không thể thiếu để bảo vệ an ninh và ổn định khu vực, thiết lập tiền lệ mới cho việc hợp tác và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình trong khu vực.
Theo giới phân tích, tầm nhìn chiến lược về an ninh khu vực của GCC không chỉ là cam kết chính trị, mà còn là trách nhiệm đạo đức hướng tới sự đoàn kết. Bằng cách ưu tiên đối thoại và đàm phán, GCC muốn đảm bảo rằng các tranh chấp được giải quyết theo cách bảo vệ chủ quyền, phẩm giá và lợi ích của tất cả các bên liên quan, từ đó góp phần tạo ra môi trường khu vực ổn định và an toàn hơn.
Về bản chất, tầm nhìn chiến lược của GCC là lời kêu gọi rõ ràng cho một kỷ nguyên ngoại giao và hòa bình mới ở khu vực vùng Vịnh, thể hiện khát vọng chung hướng tới sự thống nhất và hòa bình. Đây không chỉ đơn thuần là một lựa chọn chính sách mà còn là một tuyên bố sâu sắc về sự cống hiến của GCC trong việc thúc đẩy bầu không khí tôn trọng, hiểu biết và hợp tác lẫn nhau giữa các quốc gia thành viên và với cộng đồng quốc tế.