Cụ thể, Nhà Thiếu nhi TP Thủ Đức đã thông báo tạm ngưng hoạt động hàng loạt mặt bằng đang liên kết, liên doanh tại đơn vị.
Theo đó, các đơn vị đang thuê mặt bằng trong và ngoài khuôn viên nhà thiếu nhi gồm: mặt bằng kinh doanh thức ăn nhanh (của các chủ doanh nghiệp Nguyễn Thị Hiệp, Nguyễn Phước Thanh, Bùi Thị Hường, Trần Thị Ngọc Phương, Nguyễn Thị Lành); mặt bằng nước giải khát (của các chủ doanh nghiệp Nguyễn Thị Lý, Nguyễn Thị Hoa); mặt bằng kinh doanh nước giải khát BusStation; mặt bằng kinh doanh hoa lan, mặt bằng kinh doanh thú nhồi bông tại Nhà Thiếu Nhi TP Thủ Đức; mặt bằng căng tin và mặt bằng trò chơi thiếu nhi tại Nhà Thiếu nhi cơ sở 2 tạm ngưng hoạt động từ ngày 31-5.
Ngoài ra, UBND quận 10 thông tin thêm về chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của Công viên văn hóa Lê Thị Riêng trên địa bàn.
Cụ thể, Công viên văn hóa Lê Thị Riêng là công viên văn hóa chứ không chỉ đơn thuần là công viên cây xanh. Như vậy, công viên vừa có chức năng tạo cảnh quan, đảm bảo môi trường trong lành, vừa đáp ứng nhu cầu tìm hiểu văn hóa, lịch sử, tham quan cùng các loại hình vui chơi giải trí của người dân. Công viên không sử dụng ngân sách nhà nước phục vụ hoạt động, nhưng được tổ chức dịch vụ để tạo nguồn thu. Việc công viên ký hợp đồng cung ứng dịch vụ với một số đối tác là để tạo nguồn thu phục vụ các hoạt động xã hội cũng như chi phí cho các hoạt động của công viên, phục vụ người dân.
Trong đó, Khu vui chơi thiếu nhi Thỏ Trắng trong công viên được hình thành sau khi UBND TPHCM thống nhất chủ trương đầu tư, xây dựng khu vui chơi thiếu nhi quy mô, hiện đại từ nguồn ngân sách và mời gọi đầu tư. UBND quận 10 cũng thống nhất chọn Công ty CP Đầu tư giải trí Thỏ Trắng là đơn vị hợp tác với công viên để xây dựng Khu vui chơi thiếu nhi Thỏ Trắng. Từ đó, các bên đã xây dựng nơi đây thành khu vui chơi quy mô, hiện đại và không bán vé vào cửa. Bên cạnh thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước, đóng góp chi phí quản lý chung, khu vui chơi cũng đóng góp kinh phí cho các hoạt động xã hội của địa phương. Tương tự, các hoạt động bán nước giải khát, câu cá, nhà sách... là nhằm tạo thêm các loại hình phục vụ văn hóa tinh thần, phục vụ nhu cầu giải trí của người dân.
Theo UBND quận 10, Công viên văn hóa Lê Thị Riêng không sử dụng ngân sách nhà nước và có trách nhiệm tự tổ chức các hoạt động dịch vụ theo chức năng, nhiệm vụ để tạo nguồn thu duy trì hoạt động. Việc công viên (đơn vị sự nghiệp tự cân đối thu chi) ký hợp đồng với một số đối tác là để lấy thu bù chi.