Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân nhiễm Covid-19, để tiện trao đổi với bệnh nhân, các nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc người bệnh đều liên lạc thông qua bộ đàm. Việc trao đổi thường xuyên với bệnh nhân không chỉ để biết tình trạng sức khỏe mà còn nhằm đáp ứng yêu cầu ăn uống của họ.
Cán bộ, y bác sĩ trong khoa Nhiễm D thay phiên nhau xuống tận phòng cách ly hoặc cầm bộ đàm trò chuyện trực tiếp, động viên bệnh nhân để họ không cô đơn, không lo lắng về tình trạng bệnh của mình.
“Trước đây, vì ở một mình trong phòng cách ly suốt thời gian dài, nhiều lúc bệnh nhân tuyệt vọng, bỏ ăn, sức khỏe xấu đi. Do đó, sự quan tâm động viên từ các bác sĩ giúp bệnh nhân vực dậy tinh thần, hợp tác tốt, mang lại hiệu quả điều trị tích cực” - BS Nguyễn Thanh Phong cho hay.
Cũng theo BS Phong, ngay cả ngày bệnh nhân được xuất viện, để động viên tinh thần của họ, tập thể nhân viên y tế, kể cả bệnh nhân đều không mang khẩu trang khi tiếp xúc.
“Mình kêu bệnh nhân đeo khẩu trang là đồng nghĩa nói họ còn bệnh. Vậy chẳng khác nào mình cho họ xuất viện khi họ còn bệnh? Nếu đã xác định họ âm tính với virus thì họ không cần mang khẩu trang. Chúng tôi làm vậy để họ an tâm xuất viện, giúp họ giải phóng bản thân sau thời gian điều trị cách ly. Đó là những liệu pháp tâm lý đóng vai trò quan trọng, là phần không thể thiếu trong công tác điều trị”, BS Thanh Phong lý giải.
Thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid-19, nhưng BS Thanh Phong vẫn không thể nào quên được những ngày chật vật khi phải tìm cách trấn an người thân của họ vượt qua nỗi sợ hãi bị lây nhiễm.
Ngoài việc trấn an gia đình, BS Phong cũng phải trấn an nhân viên y tế của khoa để tiếp thêm sức mạnh chữa trị cho bệnh nhân. Mỗi ngày, tình trạng sức khỏe của nhân viên y tế trong khoa đều được theo dõi sát sao và những nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân đều được ghi lại trên bảng theo dõi.
“Mỗi nhân viên y tế trong khoa đều phải đoàn kết, cùng nhau chia sẻ và chữa trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. Khó khăn chồng chất khó khăn, những ánh mắt kỳ thị càng làm cho tâm lý thêm nặng nề. Mình ra đường tuy người ta không nói ra là kỳ thị, nhưng khi mình lại gần thì họ lấy khẩu trang ra mang vô. Hành động đó không làm cho mình buồn, mà chỉ khiến mình thêm quyết tâm” - BS Thanh Phong hóm hỉnh nói.