1. Cách trung tâm TPHCM chỉ vài chục km, nhưng huyện Cần Giờ gần như biệt lập với sự sôi động, ồn ã của thành phố. Xe chúng tôi bon nhanh trên con đường Rừng Sác được mở rộng thênh thang, dọc hai bên là màu xanh ngút ngàn rừng ngập mặn.
Trong tâm tưởng mỗi người đều hình dung về một thời các chiến sĩ đặc công Rừng Sác từng là nỗi khiếp sợ đối với kẻ thù. Đâu đây như vẫn âm vang những trận đánh hào hùng, những chiến công vang dội của các chiến sĩ đặc công Rừng Sác, khiến kẻ thù bạt vía kinh hồn. Quân và dân chiến khu Rừng Sác đã góp phần quan trọng trong công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngay khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang vừa xuống xe, nhiều cử tri huyện Cần Giờ đã thân mật bắt tay và nhắc lại câu chuyện năm 2013, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khi đó giữ cương vị Bộ trưởng Công an đã chỉ đạo xử lý, giải quyết nghiêm vụ Công an giao thông tỉnh Hải Dương giữ xe chở gần 2 tấn bạch tuộc để đảm bảo quyền lợi cho bà con săn bạch tuộc Cần Giờ. Đó không chỉ là niềm vui của hơn 40 hộ ngư dân Cần Giờ mà còn là niềm hân hoan của toàn dư luận xã hội.
Cuộc thi sắc đẹp Duyên dáng Cần Giờ năm 2017 được tổ chức tại Trung tâm văn hóa huyện Cần Giờ.
“Sự kiện bạch tuộc” diễn ra khoảng đầu tháng 6-2013, khi xe chở hơn 2 tấn bạch tuộc tươi sống, vốn là tài sản của 40 hộ dân Cần Giờ ra Quảng Ninh tiêu thụ đã bị bắt giữ bởi cảnh sát môi trường Hải Dương, lý do hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và không có giấy kiểm dịch.
Ngay hôm sau, gần chục hộ dân đã bay từ TPHCM ra Bắc để giải quyết vụ việc vì họ cho rằng công an giữ lô hàng là không đúng các quy định của pháp luật. Đại diện của các chủ hàng ở Cần Giờ đã đến trụ sở Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hải Dương bắt đền lô hàng bạch tuộc tươi sống trị giá gần 1 tỷ đồng đang trong giai đoạn… phân hủy.
Sau khi nhận được thông tin, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã nhanh chóng có chỉ đạo, yêu cầu Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương báo cáo đầy đủ, khách quan toàn bộ quá trình vụ việc.
Bộ trưởng chỉ đạo Chánh Thanh tra Bộ Công an đến Hải Dương kiểm tra lại toàn bộ vụ việc, làm rõ đúng, sai, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Nếu có sai phạm dẫn đến hậu quả thiệt hại phải bồi thường. Vụ việc nhanh chóng được đưa ra ánh sáng, những người dân Cần Giờ, chủ nhân của gần 2 tấn bạch tuộc bị giữ trên đường đi tiêu thụ, đã được giải oan và nhận được số tiền bồi thường 650 triệu đồng từ Công an Hải Dương.
Số tiền bồi thường đó có thể không thỏa đáng so với những thiệt hại từ vụ việc này. Song, ngư dân Cần Giờ có lý do để mừng. Họ mừng vì công lý đã được thực thi, mừng vì “con kiến” đã thắng kiện “củ khoai”. Họ đã viết thư cảm ơn Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang vì đã kịp thời chỉ đạo khẩn trương xử lý vụ việc, đòi lại công bằng, quyền lợi cho họ. Ngư dân Cần Giờ mừng còn vì lần đầu tiên người dân được bồi thường thỏa đáng một cách kịp thời vì lỗi lầm của nhân viên công vụ, không phải đeo đuổi đằng đẵng hành trình khiếu kiện.
“Sự kiện bạch tuộc” đã trở thành tiền đề cho niềm tin vào việc công lý sẽ được thực thi một cách liêm chính, đó cũng là niềm cảm hứng để mọi người dân tôn trọng luật pháp hơn, họ an tâm hơn khi sống trong một xã hội thượng tôn pháp luật. Không những thế, sự kiện bạch tuộc Cần Giờ còn là một bài học kinh điển đối với những nhân viên công vụ, khiến họ phải chùn tay trước những ý định lạm quyền, cẩu thả trong khi thi hành công vụ. Sau khi vụ việc được làm rõ, Công an tỉnh Hải Dương đã vào tận Cần Giờ xin lỗi và bồi thường thiệt hại cho ngư dân.
2. Trong buổi gặp gỡ Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nhiều ngư dân đã bày tỏ: “Chúng tôi rất biết ơn Bộ trưởng từ ngày đó, nhưng hôm nay mới gặp được để nói lời cám ơn. Chỉ một việc nhỏ thôi nhưng cho thấy Bộ trưởng - và nay là Chủ tịch nước - đã không vì sợ ảnh hưởng danh dự, uy tín của ngành mình mà bỏ qua lợi ích của nhân dân. Chúng tôi đánh giá cao điều đó”.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói: “Thay mặt anh em cán bộ, chiến sĩ, tôi xin lỗi bà con một lần nữa. Tôi vẫn nói với anh em cán bộ, chiến sĩ, mình làm sai phải nhận lỗi, xin lỗi. Bà con ngư dân vất vả lắm mới có được chút sản phẩm, nhưng do sự cứng nhắc của mình làm hỏng 2 tấn bạch tuộc của bà con là không thể được”. Không khí buổi tiếp xúc trở nên gần gũi và cởi mở.
Nhiều suy nghĩ, trăn trở đã được bà con giãi bày. Nhiều cử tri phấn khởi cho biết, trước giải phóng, Cần Giờ là vùng đất 3 không: không đường, không điện, không nước ngọt. Vậy mà đến nay, nước ngọt đã đáp ứng nhu cầu của nhân dân; đường Rừng Sác rộng thênh thang nối Cần Giờ với thành phố; điện lưới quốc gia đã phủ kín.
Cử tri cũng bày tỏ mong muốn cầu Cần Giờ - Nhà Bè đã được phê duyệt, cần sớm xây dựng, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận lợi, đồng thời sẽ mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ, nhất là về du lịch cho huyện duyên hải này.
Rừng Sác nhìn từ trên cao như một thảm thực vật, được Unesco công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Ảnh: P.LONG
Sau buổi tiếp xúc cử tri, trong không khí thiêng liêng của những ngày cuối tháng tư lịch sử, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến thăm, tặng quà một số gia đình thương binh, liệt sĩ tại địa phương. Đến gia đình bà Nguyễn Thị Nhị là con liệt sĩ ở thị trấn Cần Thạnh, khi thắp nén hương lên bàn thờ liệt sĩ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang xúc động được bà Nhị cho biết đây chính là chiếc tủ thờ do Chủ tịch nước tặng khi còn là Bộ trưởng Công an.
Hỏi đồng chí thư ký đi cùng, tôi được biết trong những năm tháng công tác ở các tỉnh phía Nam, đến thăm nhiều gia đình chính sách, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã không khỏi ái ngại khi thấy nhiều gia đình còn rất khó khăn, có những gia đình không có nơi để thờ liệt sĩ, bát hương phải đặt tạm trên bục cửa sổ. Năm 2015, bằng tiền lương dành dụm của mình, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã gửi 52 chiếc tủ thờ tặng các gia đình liệt sĩ khó khăn ở TPHCM và các tỉnh ĐBSCL.
Trong căn nhà mới xây, còn chưa kịp quét vôi ve, bàn tay run run của bà Nhị cứ nắm chặt tay người đứng đầu Nhà nước, không nói nên lời. Chủ tịch nước nói với các cán bộ đi cùng, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là luôn quan tâm đến đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn. Phải làm sao để các gia đình chính sách đều có cuộc sống ngang mức trung bình của xã hội trở lên.
Những năm qua, chúng ta đã cố gắng chăm lo, bảo đảm chính sách cho người có công. Tuy nhiên, do điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, vẫn còn nhiều gia đình có công còn nghèo khó. Trách nhiệm và nghĩa vụ của các thế hệ hôm nay và mai sau phải tiếp tục phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho các gia đình chính sách có cuộc sống ngày một tốt hơn.
Quốc Việt (ghi)
Quốc Việt (ghi)