Tấm lòng những bà mẹ Bàn Cờ

Tấm lòng những bà mẹ Bàn Cờ

30 năm đã trôi qua nhưng mọi người không thể nào quên không khí rạo rực của những ngày vào chiến dịch. Các má, các mẹ, các chị đã âm thầm đóng góp sức người, sức của, góp phần làm nên chiến công tuyệt vời.

Một ngày đầu tháng 4-1975, anh Lê Quang Hùng - chạy về nói với mẹ: “Nhà mình được chọn làm địa điểm khởi nghĩa của phong trào học sinh-sinh viên. Mẹ hãy giúp đỡ chúng con...”. Mẹ Phạm Thị Thanh (ngụ tại số nhà 115 đường Bàn Cờ, phường 3, quận 3) vội vã dọn dẹp nhà cửa, đưa các con nhỏ đi nơi khác, rồi chạy ra chợ mua mắm muối, tương chao, gạo, củi... để lo hậu cần cho phong trào học sinh-sinh viên.

Tấm lòng những bà mẹ Bàn Cờ ảnh 1

Mẹ Phạm Thị Thanh (bên trái) kể với cán bộ Hội LHPN quận 3 về những năm tháng đấu tranh.

Trong lúc hơn 200 học sinh-sinh viên, kéo về trung tâm Sài Gòn đấu tranh biểu tình chống Mỹ ngụy, thì ở nhà, mẹ nấu cơm để tiếp tế kịp thời cho các con. Căn nhà của mẹ nằm đối diện với chốt cảnh sát mật vụ ngụy. Cho đến phút chót, bọn mật vụ ngụy vẫn không ngờ một người phụ nữ hiền lành lại chính là một bà má gan dạ của phong trào học sinh-sinh viên ở vùng Bàn Cờ này.

Cả 4 người con trai của mẹ đều còn đi học và là hạt nhân tích cực trong phong trào học sinh-sinh viên do Thành đoàn phát động. Trước ngày 30-4 ít hôm, tại căn nhà mẹ tập trung tới 10 chiếc máy may, các mẹ các chị ngày đêm may cờ Tổ quốc. Trưa 30-4-1975, tin chiến thắng bay đi khắp nơi. Sài Gòn tràn ngập rừng người và rừng cờ hoa.

Cả gia đình mẹ chạy hết ra đường reo hò, vui mừng đón đoàn quân giải phóng tiến vào thành phố. 30 năm trôi qua kể từ ngày miền Nam giải phóng đến nay, ngày 30-4 mãi mãi là kỷ niệm đẹp trong ký ức của mẹ. Năm nay, đã 71 tuổi, mẹ vẫn còn minh mẫn và luôn theo dõi từng bước chuyển mình của đất nước. Mẹ nói: “Thấy đất nước đổi mới đi lên, ai mà không mừng. Đó chính là niềm an ủi lớn nhất đối với má”.

Tại điểm bán tạp hóa ở số nhà 664/7 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, giữa chợ Bàn Cờ, có bà mẹ tên là Lợi Múi, năm nay 70 tuổi. Ít ai biết đó là một bà má của các phong trào đấu tranh biểu tình ở Sài Gòn hơn 30 năm trước. Điểm tạp hóa của má Múi trở thành nơi liên lạc, tập hợp bí mật, trao đổi thông tin liên lạc.

Những lúc chuẩn bị các cuộc đấu tranh biểu tình, các bà má phong trào đến đây giả uống nước, mua hàng rồi tranh thủ bàn bạc, chuẩn bị cho cuộc xuống đường. Đầu tháng 4-1975, trong căn nhà nhỏ với diện tích chưa đầy 40m2, má dự trữ đầy ắp lương thực, thực phẩm, thuốc men để tiếp tế cho bộ đội.

Tại nhà má Tô Kim Ngọc, cũng ở khu Bàn Cờ, do cơ sở bị lộ, má phải thuê căn nhà khác, giả bán hàng tạp hóa để ngụy trang địch làm kho dự trữ lương thực, thuốc men tiếp tế cho bộ đội. Ngày 30-4-1975, má hô hào bà con trong khu Bàn Cờ nấu nhiều cơm chở lên dinh Độc Lập cho bộ đội.

Sáng 30-4-1975, khi quân ta từ 5 hướng đồng loạt tiến quân vào nội thành Sài Gòn, các mẹ, các chị là những “hoa tiêu” dẫn đường cho bộ đội chiếm lĩnh các cơ quan đầu não của địch. 

HỮU QUÝ

Tin cùng chuyên mục