Sẻ chia
Nhiều năm nay, những người làm công tác tiếp nhận từ thiện ở Báo SGGP đã quen với hình ảnh một phụ nữ dáng người cao ráo với nụ cười đôn hậu đến đóng góp từ thiện. Cô không nói địa chỉ, mà chỉ biết tên của cô là cô Lợi. Lúc đầu, mỗi lần cô đóng góp 3 triệu đồng. Sau mỗi năm, số tiền tăng dần lên, đến nay đã lên đến 9 triệu đồng mỗi lần đóng góp. Mỗi lần đến, cô hay kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện vui, thú vị về gia đình mình hay ở ngoài xã hội.
Cô cho biết, cô thường dạy con cháu mình phải biết yêu thương, chia sẻ với những người nghèo, bất hạnh, nên mỗi tháng các con của cô, có người sinh sống và làm việc ở nước ngoài, cũng đều đóng góp tiền gửi mẹ đi làm từ thiện. Cô khoe, cháu nội của cô mới vừa tốt nghiệp đại học và đã đi làm, cũng trích một phần lương của mình để gửi bà nội giúp đỡ người nghèo. Có những tháng cô qua Canada thăm con cháu nhưng vẫn không quên nhờ con trai ở nhà đến Báo SGGP đóng tiền cho quỹ từ thiện.
Nhiều bạn đọc của Báo SGGP là các cô, bác hưu trí, chị tiểu thương, và có cả anh chị công nhân lao động, học sinh. Mặc dù họ không khá giả nhưng đều có chung một tấm lòng nhân ái, nghĩ đến những người nghèo, bất hạnh, nên mỗi đồng tiền họ đóng góp đều rất đáng trân trọng. Có những người đến đóng góp từ thiện chỉ vài chục ngàn đồng, thậm chí có người chỉ 10.000 đồng, nhưng tấm lòng thật đáng quý.
Trong số những người đến đóng góp từ thiện, có cụ Phạm Thị Nhung (81 tuổi, ở quận Phú Nhuận, TPHCM). Cụ Nhung đang mắc nhiều chứng bệnh, cuộc sống của gia đình cụ cũng còn vất vả. Mỗi lần ngồi xe ôm đến Báo SGGP là cụ đã rất mệt mỏi, phải ngồi nghỉ một lúc cụ mới nói chuyện được bằng giọng ngắt quãng, hụt hơi vì bệnh tim nặng. Cụ thường đóng góp cho mỗi trường hợp 1 triệu đồng, ghi tên Nguyễn Văn Nghĩa là con trai của cụ.
Cụ Nhung cho biết, con trai cụ 45 tuổi có công ăn việc làm thu nhập ổn định, luôn là niềm tự hào của gia đình, nhưng không may anh mắc phải căn bệnh ung thư gan giai đoạn cuối, có thể ra đi bất cứ lúc nào. Bạn bè đồng nghiệp, người thân và công ty đóng góp hỗ trợ tiền cho anh chữa bệnh, nhưng biết bệnh của mình không thể chữa được, anh đã đưa tiền cho mẹ và xin vào chùa ở.
Cụ Nhung dành số tiền con cho để đi làm từ thiện giúp những người nghèo chữa bệnh, và cũng để con mình được sống thanh thản trong những tháng ngày còn lại của cuộc đời.
Nhiều mảnh đời được hồi sinh
Trong 98 hoàn cảnh cần giúp đăng trên báo SGGP năm 2019, có nhiều trường hợp bệnh hiểm nghèo, gia đình lâm vào cảnh khó khăn, bế tắc không tiền chữa bệnh.
Nhờ sự giúp đỡ kịp thời của các tấm lòng nhân ái mà nhiều mảnh đời được hồi sinh, như trường hợp bé Nguyễn Thanh Thúy, 3 tuổi, bệnh ung thư máu, ở xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ, Long An (Báo SGGP đăng ngày 7-3). Nhận được số tiền gần 60 triệu đồng của bạn đọc giúp đỡ, bé đã được kịp thời vô những toa thuốc hóa trị, nên sức khỏe tiến triển tốt.
Từ cảnh nằm liệt trên giường, nay bé có thể đi đứng, chạy nhảy, vui chơi với các bạn trong xóm. Đó cũng là niềm vui khôn xiết của gia đình. Chị Trần Thị Lệ Xuân, mẹ bé Thúy, nhờ Báo SGGP gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả các bạn đọc đã cho con chị có cơ hội được chữa bệnh, kéo dài sự sống.
Hay hoàn cảnh của anh Đinh Văn Lộc, 44 năm nằm liệt giường ở xóm Hồ Nam, xã Nga Thành, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa (Báo SGGP đăng ngày 7-10) cũng được bạn đọc giúp 52,5 triệu đồng.
Mặc dù bệnh của anh không thể chữa khỏi, nhưng với số tiền của bạn đọc đóng góp có thể giúp anh có một cuộc sống đỡ vất vả hơn trước. Anh Lộc cho biết sẽ sử dụng số tiền đó vào việc chữa bệnh và lo cho cuộc sống hàng ngày...
Rất mong tình cảm nhân ái, sự sẻ chia của các bạn đọc hảo tâm ngày càng lan tỏa, để có thêm nhiều mảnh đời cơ nhỡ có cơ hội được chữa lành bệnh, trở về với cuộc sống hàng ngày. Thay mặt những bệnh nhân nghèo, Báo SGGP xin tri ân những tấm lòng của các bạn đọc hảo tâm gần xa.