Tận tình khám bệnh cho dân
Đứng trước bác sĩ Hiền, chị Nương - người phụ nữ nghèo với gương mặt hằn lên nhiều lo toan - nói: “Bác ơi, cháu nhiều bệnh quá, mà cháu nghèo lắm. Đi phụ quán ở tiệm phở, một tháng cháu chỉ được 2 triệu đồng. Cháu nghe người ta chỉ chỗ này có khám bệnh miễn phí cho người nghèo, bác giúp cháu với”.
Thương cảm, bác sĩ Vương Hiền khám kỹ bệnh, chẩn đoán chị bị rối loạn tiền đình, rối loạn tiêu hóa, viêm đường tiểu... Sau khi kê đơn thuốc, ông tư vấn, căn dặn tận tình cách điều trị cho chị Nương. Mọi thứ đều miễn phí. Từ đó tới sau này, cứ mỗi lần đau ốm, chị Nương lại tìm đến vị bác sĩ già tận tâm như một nơi chốn thân quen.
10 năm qua, dù sáng sớm, dù đêm hôm, cánh cửa ngôi nhà và cũng là nơi làm phòng mạch nhỏ của bác sĩ Hiền luôn rộng cửa với người bệnh. Người tới khám có thể là một người nghèo như chị Nương, có thể là những người thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường, hay bất cứ ai ở khắp nơi.
Điện thoại của ông cứ 5 -7 phút lại reo lên. Đó là những cuộc gọi đặt lịch khám, hay buổi khám bệnh từ xa. Dù đã ở tuổi 80, bác sĩ Hiền vẫn sẵn sàng xách túi y tế đi hỗ trợ thăm khám tận nhà cho người bệnh nặng, người già yếu không có khả năng đi lại. 10 năm qua, kể từ khi mở phòng mạch tại nhà, ông đã khám chữa bệnh miễn phí cho 3.427 lượt bệnh nhân.
Cô Lài và chồng là ông Võ Văn Tỵ (63 tuổi), thương binh thuộc diện hộ nghèo của phường 14 giai đoạn trước năm 2015, đã được bác sĩ Hiền cho phép sử dụng sảnh mặt tiền trước nhà làm chỗ kinh doanh. Từ sự giúp đỡ của ông mà gia đình cô Lài nay đã không còn nằm trong diện hộ nghèo. Mỗi lần hai vợ chồng hay mấy đứa con bệnh gì cũng được bác sĩ Hiền thăm khám.
Vị bác sĩ chân đất
Là vị bác sĩ về hưu có tâm, thầm lặng với người dân ở một trong những thành phố lớn nhất nước, ít ai biết bác sĩ Hiền từng được nhiều người gọi với cái tên “bác sĩ chân đất” ngay từ những ngày còn rất trẻ. Năm 1959, tình nguyện lên đường nhập ngũ vào một đơn vị bộ binh khi vừa 20 tuổi, ông được điều động về bệnh xá quân y vì có nghiệp vụ y tá.
Sau một thời gian công tác tại đơn vị, ông được cử đi học Trung cấp Y tại Thái Bình. Hoàn thành khóa học, ông về công tác tại một đội phẫu thuật lưu động phục vụ cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ. Những tháng năm này, bước chân ông đã đi qua rất nhiều làng mạc, những khu vực người dân sơ tán. Nghe dân đau ốm gì, ở đâu, bất kể giờ nào, ông và đồng đội cũng đi. Mặc mưa gió, bùn đất sình lầy, vẫn xắn quần, ôm túi đồ y tế mà đi như thế.
Cho đến sau này, khi hoàn thành nhiệm vụ, đi học bổ túc bác sĩ, học chuyên khoa trong nước, đi học chuyên khoa tim mạch lão khoa tại Đức, về nước công tác trong ngành y tại Văn phòng Trung ương Đảng, được phân công trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho các đồng chí cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước lúc bấy giờ, vị bác sĩ này luôn tận tụy với công việc, đặc biệt là công tác chăm sóc sức khỏe người dân.
Bác sĩ Hiền chia sẻ: “Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ những lời đồng chí Lê Duẩn nói với mình “Sống là phải có tình thương và lẽ phải”. Đối với người làm trong ngành y như tôi, lời nói giản dị mà chân tình đó, tôi mang theo đến ngày hôm nay. Vậy nên, việc thăm khám cho bệnh nhân như tôi đang làm thực sự chỉ là việc thường ngày, không có gì lớn lao, vì cuộc sống nên như thế. Mình có chuyên môn, còn có sức khỏe để sử dụng chuyên môn thì ai cần sẽ giúp. Người ta khỏe mạnh là tôi mừng. Chỉ mong đủ khỏe để khi có người tới gõ cửa, mình còn khám được cho họ”. |
Đến năm 2009, khi nghỉ hưu ở tuổi 70 nhưng vẫn còn mong muốn gắn bó với nghề, ông làm thủ tục xin phép mở phòng mạch tại nhà riêng, thực hiện mong muốn được chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Ở một góc phố nhỏ trên đường Đặng Văn Ngữ, phòng mạch bác sĩ Vương Hiền vẫn mở cửa như vậy, từ sáng sớm đến tối mịt, dù sức khỏe ông nay đã yếu. Ở góc phố đó, vẫn luôn có một vị “bác sĩ chân đất” nhân hậu, giàu lòng yêu thương...