Khi thầy mừng thọ cho trò
Trong lễ kỷ niệm chào mừng 36 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, Ban Giám hiệu Trường Trung cấp Tây Sài Gòn làm chuyện lạ mà rất nhân văn, đó là tổ chức lễ mừng thọ cho học viên của trường.
Ông Trần Văn Thanh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trong hội trại truyền thống ngày 17-11, trường tổ chức lễ mừng thọ cho 20 học sinh trên 70 tuổi của trường. Đây là lần đầu trường tổ chức buổi lễ mừng thọ này, nhằm bày tỏ sự kính trọng với những người tuy tuổi cao nhưng rất ham học, có tinh thần học tập suốt đời.
Ông Nguyễn Khắc Thương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Tây Sài Gòn, cho biết: “Trường có hơn 1.500 học viên (phần lớn theo học ngành Y sĩ y học cổ truyền), trong đó có đến 600 trường hợp từ 60 tuổi trở lên. Chúng tôi tổ chức mừng thọ cho các học viên với dụng ý nhấn mạnh tinh thần “kính lão đắc thọ” và hưởng ứng tinh thần học tập suốt đời mà Nhà nước đã phát động. Việc học là không giới hạn và không bao giờ đủ. Tuổi gần đất xa trời mà các bác, các chú vẫn đi học quả là một điều đáng quý, là tấm gương để xã hội phải học hỏi”.
Những tấm lòng đáng quý
Không chỉ các hội khuyến học, mà từ trường phổ thông cho đến các trường đại học, cao đẳng hiện nay cũng luôn chăm lo và khuyến khích tinh thần học tập của người học. Dù không thể phủ hết 100% sinh viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng những tấm lòng của người thầy đã mang lại giá trị nhân văn rất lớn để hình thành nhân cách cho học trò.
Hàng trăm sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM có công ăn việc làm để duy trì việc học, có tiền trang trải học phí… sẽ không bao giờ quên được tấm lòng nhân ái của hiệu trưởng và ban giám hiệu của trường. PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Để tạo việc làm cho sinh viên nghèo, trường kêu gọi các công ty tài trợ mở các dịch vụ cho sinh viên có việc làm ngay trong trường. Ví dụ, cửa hàng rửa xe thay nhớt đã giúp rất nhiều em có thu nhập ổn định. Với hệ thống trợ lý giảng dạy của trường (mỗi giảng viên đều được tuyển trợ lý giảng dạy là sinh viên nghèo học giỏi), sinh viên sẽ được trả 30.000 đồng/tiết và các việc làm thời vụ trong trường được giao hết cho sinh viên để các em có thêm tiền ăn học. Sắp tới trường sẽ thực hiện chương trình cho sinh viên vay vốn không lãi suất, hỗ trợ các em gặp khó khăn đột xuất.
Là trường có nhiều học sinh hoàn cảnh khó khăn, tiền ăn trưa cũng không có, học phí cũng không thể đóng, thầy Bùi Trí Hiệp, Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, đã phát động bữa cơm nhân ái bằng cách tặng các phiếu ăn miễn phí cho học sinh của trường. Không dừng lại đó, trường đã xây dựng quỹ học bổng giúp bạn đến trường ở từng khối, từng lớp. Mỗi năm có 144 suất học bổng miễn 100% học phí cho các em có hoàn cảnh khó khăn.
Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng thành lập hội khuyến học của trường, đồng thời thực hiện chương trình “Học bổng 1&1”, khuyến khích giảng viên, viên chức đóng góp ngày lương vào quỹ khuyến học cũng như tham gia đỡ đầu cho các sinh viên khó khăn.
Trong 2 năm, hội khuyến học của trường đã cấp học bổng cho 296 sinh viên. Đặc biệt, học bổng đỡ đầu có 47 thầy cô, mạnh thường quân tham gia đỡ đầu cho 63 sinh viên; cụ thể 1 giảng viên sẽ giúp đỡ 1 sinh viên từ năm nhất đến năm cuối với mức 5 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Huy Cận, Ủy viên Trung ương Hội khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học TPHCM, nêu rõ: Việc ra đời của hội đã khẳng định sự quan tâm của tập thể sư phạm nhà trường đối với đời sống học tập và sinh hoạt của sinh viên. Đây còn là cơ hội để trường tập hợp, huy động nguồn lực là các doanh nghiệp thân hữu, giảng viên, viên chức, cựu sinh viên tâm huyết, nghĩa tình, cùng chung tay hỗ trợ sinh viên tài năng, sinh viên vượt khó có đầy đủ điều kiện phát triển sở trường và thực hiện hoài bão của bản thân.