Tấm lòng người thầy nơi xã đảo

Là một trong 3 cán bộ quản lý, giáo viên đang công tác tại TPHCM được Bộ GD-ĐT vinh danh “Nhà giáo tiêu biểu” năm 2023, thầy Lê Hữu Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh An (xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ) đã có nhiều chia sẻ thú vị về chuyện đời, chuyện nghề.

Món nợ ân tình

Vừa trở về TPHCM sau chuyến đi Hà Nội giao lưu với 200 giáo viên tiêu biểu từ 63 tỉnh, thành trên cả nước, thầy Lê Hữu Bình vội vã trở lại công việc. Niềm vui xen lẫn tự hào vẫn còn hiện rõ trên gương mặt rám nắng, nhưng ý thức trách nhiệm không cho phép thầy ngơi nghỉ ngày nào. Thầy Lê Hữu Bình cho biết: “Tôi được bằng khen công nhận những đóng góp vào sự nghiệp giáo dục là nhờ có sự yêu thương và đồng hành của phụ huynh, học sinh. Hàng ngày tôi ăn cơm ở Thạnh An, uống nước của Thạnh An nên luôn tự nhủ phải sống hết mình với người dân xã đảo”. Hơn 18 năm bám trụ với ngôi trường tiểu học duy nhất trên địa bàn xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM), thầy Bình đã tận mắt chứng kiến hàng trăm hoàn cảnh gia đình khác nhau của học sinh, nỗ lực vươn lên của các em nên quyết tâm dành cả quãng đời thanh xuân để cống hiến cho sự chuyển mình của vùng đất còn nhiều khó khăn này.

Sinh ra và lớn lên tại một xã nghèo của tỉnh Nghệ An, chàng trai Lê Hữu Bình mang theo nhiệt huyết của tuổi trẻ và đam mê nghề giáo đến xã đảo Thạnh An để thực hiện ước mơ của mình. Mỗi ngày, từ đất liền ra xã đảo, thầy Bình phải ngồi đò gần một giờ, chưa kể vào mùa gió chướng, mưa bão, sóng to khiến đường đến trường càng vất vả hơn. Tuy nhiên, với tình thương dành cho học trò, thầy giáo trẻ vẫn hàng ngày đều đặn đến lớp, mang con chữ cùng ước vọng đổi đời đến với trẻ em nghèo. Trường học từ lâu đã trở thành ngôi nhà thứ hai của thầy nên dù nhiều lần có cơ hội chuyển công tác đến môi trường có điều kiện tốt hơn, thầy vẫn kiên quyết ở lại Thạnh An để hoàn thành nguyện vọng của mình.

“Hiệu trưởng ở những nơi khác tập trung vào công tác quản lý và phát triển chuyên môn, còn tôi phải quán xuyến nhiều việc hơn, trong đó có công tác ngoài nhà trường như vận động học sinh ra lớp, không để em nào bỏ học, chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho các em”, thầy Bình chia sẻ.

Hàng năm, ngày khai giảng năm học mới, phụ huynh, học sinh lại nhìn thấy nụ cười rất tươi trên môi thầy hiệu trưởng - người đích thân đi vận động từng bộ sách giáo khoa, quyển tập, bộ đồng phục, xe đạp và học bổng cho các em mỗi đầu năm học.

Phụ huynh và học sinh ở xã đảo Thạnh An vẫn truyền tai nhau về “tiệm cắt tóc miễn phí của thầy hiệu trưởng”. Đó là tiệm cắt tóc không bảng hiệu, không phòng ốc, thầy và trò tiện đâu thì ngồi cắt tóc ở đó. “Học sinh ở đây đa phần bố mẹ đi làm ăn xa, ở với ông bà nên không có điều kiện chăm chút về quần áo, tóc tai. Tôi nghĩ mình làm được gì cho các em thì làm, không ngờ sự quan tâm này càng giúp các em mở lòng, chia sẻ với tôi nhiều hơn về hoàn cảnh gia đình, giúp thầy trò càng thêm gần gũi”, thầy Lê Hữu Bình kể.

Thầy Lê Hữu Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM cắt tóc cho học sinh ngoài giờ học
Thầy Lê Hữu Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM cắt tóc cho học sinh ngoài giờ học

Muốn làm nhiều hơn cho học trò

Nhiều năm qua, học trò tại xã đảo Thạnh An đã quen thuộc với hình ảnh thầy hiệu trưởng mặc áo sơ mi trắng, ân cần, tỉ mỉ cắt tỉa từng mái tóc cho học trò. Hiểu được những vất vả, thiệt thòi của học trò vùng xã đảo so với trẻ em ở khu vực nội thành, mới đây, dịp hè 2023, thầy Bình nảy ra ý tưởng phối hợp với xã đoàn Thạnh An tổ chức các lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh nghèo.

“Trong điều kiện kinh tế của thầy và trò còn nhiều khó khăn, tôi góp nhặt từng tiến bộ nhỏ nhất của học trò để làm động lực cho mình tiếp tục cố gắng, mong muốn làm nhiều việc hơn nữa cho các em”, thầy Bình chia sẻ.

Ngoài việc chăm lo điều kiện học tập cho học sinh, người thầy tâm huyết còn dành nhiều thời gian để giáo dục học sinh ý thức tự vươn lên trong cuộc sống, không trông chờ vào sự giúp đỡ của ban ngành, đoàn thể xã hội. Bởi ngoài kiến thức, càng ở trong điều kiện sống khó khăn, học sinh càng cần nỗ lực vươn lên để không bỏ học nửa chừng, biết phấn đấu vươn lên để đổi đời, sau này trưởng thành quay về xây dựng quê hương đất nước.

Để thực hiện mong muốn đó, thầy Lê Hữu Bình chủ động lồng ghép vào chương trình giáo dục các hoạt động giới thiệu gương người tốt, việc tốt, tổ chức cho học sinh giao lưu với các gương điển hình về ý thức vươn lên, xem tiểu phẩm, video clip để tiếp thêm động lực phấn đấu cho các em.

Đặc biệt, năm học này, tập thể sư phạm nhà trường hướng đến mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc, giúp học sinh cảm nhận “trường học cũng là nhà, thầy cô là người thân” để thầy và trò không còn khoảng cách, cùng nhau vươn lên trong học tập và cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục