Cưu mang trẻ mồ côi
Xã Nha Bích, thị xã Chơn Thành là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó nhiều nhất là người S’tiêng và Khmer. Bà Thị Dem, người S’tiêng ở ấp 6, năm nay 75 tuổi, sống với vợ chồng cô con gái út là Thị Út (đi làm công nhân). Chồng Út thất nghiệp nên cô là trụ cột gia đình nuôi các con. Năm 2020, chị Út đột ngột qua đời, để lại cho bà Dem hai đứa cháu thơ dại là Lê Thị Kim Phụng (7 tuổi) và Lê Hoàng Ngọc Quý vừa lên 3 tuổi. Sự ra đi đột ngột của chị Út khiến gia đình bà Dem hụt hẫng, rơi vào túng quẫn. Trước nghịch cảnh không ai ngờ xảy đến, chị Nguyễn Thanh Hồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nha Bích, dang tay nhận làm mẹ đỡ đầu 2 đứa trẻ...
Chị Hồng được Hội Nữ doanh nhân tỉnh Bình Phước hỗ trợ thêm mỗi tháng 1 triệu đồng để nuôi 2 đứa trẻ. Chị thường xuyên đến nhà thăm nom, trích tiền túi riêng của mình để phụ nuôi hai đứa trẻ. Mùa tựu trường, chị Hồng sắm quần áo, sách vở; những ngày lễ tết chị cho quà và dẫn các bé đi chơi. Được sự chăm sóc của chị Hồng, hai đứa trẻ xem chị như người mẹ thứ hai của mình. Bà Dem nhớ lại, ngày con gái mất, thằng Quý lúc đó còn chưa thôi bú, đêm nào cũng khóc đòi bú mẹ. “Nếu không nhờ cô Hồng giúp đỡ, chúng tôi không biết ra sao”, bà Dem rơm rớm nước mắt kể lại.
Ở xã Nha Bích, chị Hồng còn làm mẹ đỡ đầu cho 3 trẻ mồ côi khác (mỗi tháng hỗ trợ 500.000 đồng), trong đó có cháu Thị Mận, cũng là người đồng bào dân tộc S’tiêng ở ấp 6, không có cha, mẹ bị bệnh tâm thần phải uống thuốc điều trị mỗi ngày. Mận năm nay 15 tuổi nhưng đã nghỉ học từ năm lớp tám. Đến nhà Mận chúng tôi không khỏi xót xa. Ông Điểu Có, ông ngoại cháu, tuy còn minh mẫn nhưng đã già yếu và hai mẹ con Mận không có khả năng lao động. Cả gia đình hầu như sống bằng trợ cấp của địa phương. Mận là con gái lại đang tuổi dậy thì và nghỉ học nên chị Hồng đã xin phép đưa cháu về nuôi dưỡng, dạy học nghề cắm hoa tại shop hoa của chị ở huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương.
Chị Hồng tâm sự: “Tôi thấy các cháu thiếu tình thương cha mẹ nên xem tụi nhỏ như con ruột của mình. Tôi muốn làm tất cả những gì có thể để bù đắp tình thương cho các con”. Theo chị Hồng, thời điểm năm 2019, việc kinh doanh thuận lợi, chị nhận đỡ đầu 5 cháu không mấy khó khăn nhưng 2 năm nay thu nhập sa sút, dù vậy chị cho biết vẫn sẽ cố gắng hết sức để không bỏ rơi các cháu...
Bù đắp tình thương
Với tấm lòng nhân hậu, bao dung của người phụ nữ Việt Nam, thời gian qua ở Bình Phước đã có hàng trăm trẻ em mồ côi được các mẹ, các chị hội viên phụ nữ nhận làm mẹ đỡ đầu nuôi dưỡng.
Chỉ trong một bài viết, không thể kể hết bao nhiêu tấm lòng nhân ái nhận làm mẹ đỡ đầu và vận động giúp đỡ trẻ thơ bất hạnh, chúng tôi chỉ nêu một vài tấm gương điển hình như chị Hồ Thị Hảo và Nguyễn Thị Mai (ở phường Thành Tâm, thị xã Chơn Thành), nhận đỡ đầu, hỗ trợ lương thực nuôi dưỡng hai cháu Lê Chiến Thắng và Lê Minh Trí mồ côi cha, mẹ bỏ nhà đi không liên lạc được; chị Nguyễn Kim Quyên (phường Minh Long, thị xã Chơn Thành) vừa trực tiếp làm mẹ đỡ đầu một cháu mồ côi, vừa thường xuyên tổ chức “gian hàng 0 đồng” vận động nhà hảo tâm ủng hộ nuôi dưỡng trẻ mồ côi tại mái ấm Minh Trần (phường Minh Long, thị xã Chơn Thành); chị Nguyễn Thị Tuyết Hồng - hội viên Phụ nữ khu phố Phú Thuận nhận đỡ đầu bé Đào Lê Công Tiến ở khu phố Phú Xuân (cùng phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long) mồ côi cha, mẹ bỏ đi và giao con cho bà ngoại...
Tại Bình Phước, “Mẹ đỡ đầu” được các cấp hội từ tỉnh xuống cơ sở tích cực triển khai thực hiện, điển hình như Hội Nữ doanh nhân tỉnh Bình Phước, phụ nữ công an tỉnh, phụ nữ công an các huyện, thị... Ngoài hỗ trợ kinh phí nuôi dưỡng, phụ nữ công an tỉnh Bình Phước còn lồng ghép và nâng tầm chương trình lên thành “Mẹ đỡ đầu - giảng dạy tiếng Anh, hỗ trợ học tập” cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Qua 3 năm triển khai thực hiện, Bình Phước có 531 trẻ mồ côi được nhận đỡ đầu, trong đó có 67 trẻ đồng bào dân tộc thiểu số, với số tiền 3,5 tỷ đồng.