Trái tim luôn sẻ chia
Trường Tiểu học số 2 Trà Phong có 3 điểm trường tại thôn Trà Bung, Trà Bao và Trà Na với tổng số học sinh năm học 2022-2023 là 160 em, 17 giáo viên (trong đó có 3 giáo viên hợp đồng). Ngay từ những ngày đầu năm học, thầy cô luôn quan tâm, nắm bắt hoàn cảnh học sinh kịp thời giúp đỡ để các em an tâm đến trường học tập.
Cô giáo Nguyễn Thị Khánh (32 tuổi, quê huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) chủ nhiệm lớp ghép 1 và 2 có tổng 14 học sinh tại điểm trường thôn Trà Bung. Cô giáo nhanh chóng tìm hiểu hoàn cảnh học sinh và kịp thời giúp đỡ. Em Hồ Thị Năng (lớp 2, trường Tiểu học số 2 Trà Phong) có hoàn cảnh khó khăn. Cha mất, hiện em ở với mẹ, mà mẹ thường xuyên uống rượu.
Cô nói: “Em Năng hay nghỉ học. Hôm nào không thấy em đến trường, tôi liền đến nhà để vận động em và tâm sự với người mẹ để chị ấy bỏ rượu, quan tâm đến Năng nhiều hơn".
Suốt 9 năm đứng trên bục giảng, cô giáo Khánh luôn hết lòng giúp đỡ học sinh, những đứa trẻ mồ côi cha mẹ, gặp hoàn cảnh khó khăn, cô giáo Khánh như “mẹ đỡ đầu”.
Em Hồ Thị Nga (lớp lớp 3B, Trường Tiểu học số 2 Trà Phong) có cha mất khi em học lớp 1. Nhà Nga đông anh em, cô giáo Khánh thường xuyên giúp đỡ mua cá, thịt gửi cho em mang về nhà để mẹ nấu ăn. Hàng tuần, cô giáo còn quyên góp áo quần mang từ vùng xuôi lên đây để tặng em Nga.
Cô Khánh chia sẻ: “Có nhiều em đến trường, cơm không đủ no, quần áo không đủ mặc, tôi vẫn trích một khoản nhất định từ lương để mua cá, thịt cho các em mang về, thỉnh thoảng mua cho các em đồ dùng học tập”. Thời gian rảnh, cô lại tìm thêm các nguồn hỗ trợ, ban đầu là bạn bè, đến người thân.
Em Hồ Thị Chung (3B, Trường Tiểu học số 2 Trà Phong) được mạnh thường quân hỗ trợ 500 ngàn đồng/tháng bắt đầu từ năm học 2022-2023. Cô Khánh cho biết: “Năm ngoái, khi tôi làm chủ nhiệm lớp em Chung, hoàn cảnh em khó khăn. Em không có cha, mẹ đi lấy chồng khác nên em ở với bà ngoại. Tôi chia sẻ với hiệu trưởng nhà trường, qua kêu gọi tấm lòng hảo tâm thì em đã nhận được hỗ trợ”.
Cô giáo Đỗ Thị Bích Hiệp (27 tuổi, quê xã Trà Phú, huyện Trà Bồng) chủ nhiệm lớp 3, lớp 4 năm học 2022-2023 tại điểm trường thôn Trà Na.
Từ đầu năm, cô giáo Hiệp cũng nắm tình hình hoàn cảnh học sinh nên thường quyên góp quần áo, kêu gọi từ thiện giúp đỡ các em.
Cô Đỗ Thị Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Trà Phong là người tiên phong kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ nhà trường. Cô cho biết: “Khai giảng năm học mới, phụ huynh ở vùng núi thường ít quan tâm đến con cái nên các thầy cô phải bỏ tiền trước để mua sắm đồ dùng học tập cho các em. Tôi thường xin sách, vở, bút, áo mưa, dép cho các em trước thềm năm học mới. May mắn có mạnh thường quân tại Đà Nẵng hỗ trợ hơn 25 triệu đồng để mua sách, vở cho học sinh. Có người cho bếp ga, bếp điện để phụ bếp ăn bán trú tại nhà trường. Đồng thời, mạnh thường quân cũng hỗ trợ 8.000 đồng/bữa ăn/em suốt 5 năm cho 80 học sinh không có tiền hỗ trợ bán trú tại trường”.
Cô Bình cho biết: “Mỗi giáo viên ở vùng núi tại trường này đều mang tấm lòng hết mình vì học trò. Các cô giáo tự quyên góp, vận động mạnh thường quân giúp đỡ học sinh. Nhiều cô giáo chỉ mới hợp đồng dạy tại trường những cũng tích cực sẻ chia cùng học sinh”.
Năm học mới với nỗi lo thiếu cơ sở vật chất
Trường Tiểu học số 2 Trà Phong nằm tựa lưng các vách núi. Ngôi trường được xây dựng đã lâu nên hiện xuống cấp, nhiều công trình không đảm bảo cho quá trình dạy và học.
Nỗi lo nhà vệ sinh cho học sinh khiến các thầy cô giáo luôn trăn trở. Trường chỉ có 1 nhà vệ sinh tại điểm trường thôn Trà Bao là sử dụng và có hệ thống giếng khoan phục vụ nước cho học sinh, giáo viên. Điểm trường thôn Trà Bung có nhà vệ sinh nhưng không có nước để dùng, còn điểm trường thôn Trà Na vừa không có nhà vệ sinh, vừa không có nước sạch.
Cô Bình cho biết: “Điểm trường thôn Trà Bung vào mùa mưa thì phải đi xa để xách nước mới sử dụng được nhà vệ sinh, còn mùa nắng thì không có nước để dùng nên công trình cũng không được sử dụng”.
Cô giáo Khánh cho biết: “Ngày đầu khi tôi đến trường để dạy, vẫn chưa có điện, đường sá đi lại rất khó khăn. Khoảng năm 2014, bắt đầu có điện nhưng đến giờ vẫn chưa có nước sạch, vẫn dùng nước suối. Học sinh và giáo viên đi lấy nước rất xa, vất vả”.
Ngoài nhà vệ sinh, nước sạch chưa có, Trường Tiểu học số 2 Trà Phong cũng chưa có sân chơi cho học sinh, tường rào quanh trường học cũng không được xây dựng.
Cô Bình nói: “Không có tường rào bao quanh nên hè về, trường nghỉ dạy thì người dân chăn thả bò, xả rác rất bẩn… Những ngày trước thềm năm học mới, thầy cô giáo vất vả dọn dẹp. Nhà trường chỉ mong muốn trước tiên có tường rào, có sân chơi cho học sinh để các em có giờ giải lao vui vẻ, an toàn”.
Năm nay, Trường Tiểu học số 2 Trà Phong sáp nhập với Trường Tiểu học Trà Phong, cô Bình hy vọng có thể tiếp tục thực hiện chương trình học bán trú cho học sinh để các em ở lại trường buổi trưa và học tập buổi chiều, hạn chế tình trạng học "giã gạo" đối với học sinh vùng núi.