Tấm lòng của người miền Nam gửi người miền Bắc trắng tay trong lũ

Ngày 12-9, đoàn công tác của Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có mặt tại các vùng chịu thiệt hại nặng nề do lũ lụt ở miền Bắc, như Thái Nguyên, Yên Bái, Bắc Giang... để kịp thời trao gửi hàng hóa và tiền cứu trợ người dân.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Đi vào tâm lũ ngày 12-9 ở tỉnh Bắc Giang - nơi còn ít người chú ý. Thực hiện: VĂN PHÚC

Mái nhà là giường

Ngày 12-9, tại xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), nước lũ sông Cầu vẫn chưa rút, nhiều ngôi nhà cấp 4 ngập tới nóc.

IMG_3130.jpeg
Nước sông Cầu vẫn lên ở xã Mai Đình. Ảnh: VĂN PHÚC
IMG_3195.jpeg
Đường vào thôn Mai Trung mênh mang nước lũ sâu 3-4m. Ảnh: VĂN PHÚC

Các thuyền cứu trợ liên tục di chuyển để sơ tán người dân và tiếp tế hàng hóa.

Tại thôn Thắng Lợi, cụ Đỗ Thị Thắng (73 tuổi) rưng rưng khi nhận quà từ Báo Sài Gòn Giải Phóng: “Tôi sống một mình, không con cái, chỉ có căn nhà nhỏ cấp 4. Nước lên nhanh quá, không chạy kịp, may được sơ tán ra ngoài”.

IMG_3303.jpeg
Rất thiếu thốn xuồng máy cứu hộ. Ảnh: GIA HIỀN
IMG_3066.jpeg
Người dân tự chèo thuyền sắt đi nhận thức ăn tiếp tế. Ảnh: VĂN PHÚC
IMG_3062.jpeg
Mỗi người được nhận một suất ăn để cầm cự chờ nước rút. Ảnh: VĂN PHÚC
IMG_3070.jpeg
Nhà cửa im lìm vì ngập nước. Ảnh: VĂN PHÚC
IMG_3094.jpeg
Chính quyền địa phương vẫn tiếp tục tổ chức cứu hộ. Ảnh: VĂN PHÚC

Ở xã Mai Đình, thiếu thốn xuồng máy cứu hộ khiến việc sơ tán người dân gặp nhiều khó khăn.

Chị Đỗ Thu Hằng cho biết, mẹ chồng đã được sơ tán, nhưng bố chồng, ông Đặng Thanh Ngọ, vẫn mắc kẹt trên mái nhà. Ông Ngọ gọi điện: “Điện thoại tôi sắp hết pin rồi, 3 hôm nay tôi ăn ngủ trên mái nhà”.

Nhóm công tác của Báo Sài Gòn Giải Phóng tiếp tục đến thôn Mai Trung. Để tiếp cận các gia đình, chúng tôi phải luồn qua rừng dây điện, cúi rạp người mà dây điện vẫn chạm lưng.

IMG_3137.jpeg
Đại diện Báo SGGP (bìa trái) trao hỗ trợ cho những phụ nữ đơn thân đang kẹt ở thôn Mai Trung ngày 12-9. Ảnh: VĂN PHÚC
IMG_3187.jpeg
Chị Đặng Thị Phúc và bà Lê Thị Chi nhận được những suất cơm cứu hộ. Ảnh: VĂN PHÚC
IMG_3174.jpeg
Nước ngập trong ngôi nhà của 3 người phụ nữ đơn thân. Bên ngoài ngập sâu 3-4m. Ảnh: VĂN PHÚC

Trong một ngôi nhà ngói, chị Đặng Thị Phúc cùng hai chị là phụ nữ đơn thân khác bấu víu nhau chờ nước rút.

Chị Phúc, bị đau ốm nhiều năm, nghẹn ngào: “Lũ lớn quá, hai chị em không chạy đi đâu được”.

Bà Lê Thị Chi, người trú ngụ nhờ, cũng than thở: “Chúng tôi nghèo mà trời cũng chẳng thương. Mất hết sạch rồi”.

Mất trắng rồi

Phó trưởng thôn Mai Trung, ông Âu Xuân Sử (sinh năm 1954) tiếp tục dẫn chúng tôi đến các gia đình khác cũng đang mắc kẹt trong nước lũ để trao quà cứu trợ.

IMG_3076.jpeg
Trở về nhà nhưng chẳng còn gì. Ảnh: VĂN PHÚC

Trong các ngôi nhà 2-3 tầng, phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng chứng kiến còn rất nhiều người già và trẻ em ở lại.

Trong các ngõ nhỏ, xuồng to không thể vào.

Các đoàn cứu trợ phải ròng dây rồi buộc đồ ăn nước uống trong túi nilon trên phao để những người đang mắc kẹt kéo vào. Không thể nào leo lên được, đoàn công tác của Báo Sài Gòn Giải Phóng cũng đành buộc quà vào dây, đứng dưới chân các ngôi nhà để người bên trên kéo lên.

IMG_3209.jpeg
Kéo dây để đưa quà từ thiện của Báo SGGP lên những ngôi nhà bị ngập sâu 3-4m có nhiều người mắc kẹt, thôn Mai Trung, xã Mai Đình. Ảnh: VĂN PHÚC
IMG_3200.jpeg
Buộc dây đưa quà từ thiện lên những ngôi nhà có người đang mắc kẹt. Ảnh: VĂN PHÚC

Ông Âu Xuân Sử cho biết, thôn Mai Trung nằm sát mép sông Cầu. Ngày 12-9, nước vẫn lên chứ không rút. Các gia đình trong thôn hầu như mất trắng, chỉ kịp cứu người.

Còn ông Đặng Văn Ngóng (sinh năm 1969) than thở: “Nhà tôi ở giáp sông nhất. Lũ đổ về cuốn sạch rồi”. Ông cho biết, tháng trước vừa sắm được bộ án gian để thờ cha mẹ nhưng lũ cũng cuốn đi luôn.

IMG_3253.jpeg
Toàn bộ gia sản mất trắng, ông Ngóng chỉ kịp chạy đôi lọ độc bình "gia bảo". Ảnh: VĂN PHÚC

Tiếp tục đến phường Quang Vinh (Thái Nguyên), nước lũ đã rút nhưng chỉ còn lại đống đổ nát.

Ông Nguyễn Văn Lịch, tổ 10, xúc động: “Suốt 3 đêm tôi phải leo lên nóc nhà để tránh lũ, lo nước lũ đến không ngủ nổi”.

Trong khi đó, tại xưởng chế biến bột mì Thái Bảo, hơn 100 tấn bột đã bị nước lũ cuốn sạch, trị giá hàng tỷ đồng.

Dọc hai bên đường, xe hơi bị ngập nước được kéo đi cứu hộ liên tục.

IMG_3304.jpeg
Cả dàn xe của người dân chưa ráo nước sau 3-4 ngày chìm trong lũ ở TP Thái Nguyên, ngày 12-9. Ảnh: GIA HIỀN
IMG_3301.jpeg
Chở xe đi cứu hộ. Ảnh: GIA HIỀN

Phó Chủ tịch HĐND phường Quang Vinh Liễu Thị Thu Nguyệt cho biết, hiện tại chưa thể thống kê toàn bộ thiệt hại. Ngoài những người có điều kiện thì còn rất nhiều người nghèo đang trắng tay sau cơn lũ, cần hỗ trợ, nhất là ở các tổ 8, 9 và 10.

IMG_3298.jpeg
Đại diện Báo SGGP trao tiền cho những người nghèo khó vừa bị kẹt trong lũ ở phường Quang Vinh, chiều 12-9. Ảnh: NINH THẮNG

“Từ hôm qua đến nay đã có nhiều đoàn từ thiện đến cứu trợ hàng (nước uống, thực phẩm, gạo…). Có bao nhiêu chúng tôi chia ra trao ngay cho từng gia đình đang hoạn nạn”, chị Thu Nguyệt nói.

Để kịp thời chia sẻ với những khó khăn, mất mát của những người dân vùng lũ, ngày 12-9, đoàn công tác của Báo Sài Gòn Giải Phóng tại Hà Nội đã đến các địa phương gồm: Thái Nguyên và Bắc Giang - một trong những nơi vừa chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ sau bão số 3.

Đoàn đã hỗ trợ tiền và quà, trao tận tay cho hơn 20 hộ gia đình gặp khó khăn, hoàn cảnh nhất.

IMG_3266.jpeg
Tấm lòng của độc giả Báo SGGP được gửi đến tận tay từng người dân bị thiệt hại ở Bắc Giang và Thái Nguyên ngày 12-9. Ảnh: VĂN PHÚC

Mặc dù thiệt hại ở những nơi này vẫn còn rất lớn, nhưng chúng tôi không thể trợ giúp cho tất cả những người dân đang gánh chịu cảnh thiên tai mất mát này.

IMG_3292.jpeg
Người dân ở phường Quang Vinh (TP Thái Nguyên) chở quà của Báo SGGP về nhà sau khi được trao tận tay tại UBND phường. Ảnh: NINH THẮNG

Ngày 13-9, đoàn công tác sẽ tiếp tục trao hỗ trợ cho những người dân nghèo cũng đang từng ngày chống chịu lũ dữ ở các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang…

Tin cùng chuyên mục