Từ trong gian khó
Ngôi nhà của Lê Hoàng Công nép mình bên con đường nhỏ thuộc khu phố Tân Trà, phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài. Bao năm qua đây là “cái nôi” cho ra đời sản phẩm cà phê nguyên chất thơm ngon, chất lượng cao. Khách hàng cả nước tìm đến để được thưởng thức, lựa chọn loại cà phê mà họ ưa chuộng.
Bên tách cà phê nóng mời khách, anh Công cho biết: “Có được thương hiệu như hôm nay tôi đã trải qua biết bao thăng trầm và biến cố. Tôi quan niệm con đường đến thành công không trải hoa hồng mà là quá trình gom góp vấp ngã để mạnh mẽ bước tiếp. Và trái ngọt ngày hôm nay có cả vị đắng chát của sự đổ vỡ hôm qua”.
Anh Lê Hoàng Công (áo đen - bên phải) giới thiệu sản phẩm Cà phê Công Bình Phước tại Hội chợ triển lãm Thương mại - Du lịch Campuchia-Lào-Việt Nam vào tháng 12-2017 tại TX Đồng Xoài
13 năm về trước, do kinh tế gia đình khó khăn, chàng sinh viên Lê Hoàng Công phải buộc lòng rời bỏ giảng đường Đại học TDTT để về Đồng Nai phụ giúp cha mẹ. Năm 2006, Công với hành trang vỏn vẹn một chiếc ba lô bên trong vài bộ quần áo, lên vùng đất đỏ giàu tiềm năng Bình Phước tìm cơ hội.
Thời gian đầu, anh sống bằng tiền lương ít ỏi từ công việc tại một nhà máy xi măng và nâng cao kiến thức với chuyên ngành kế toán tại trường Cao đẳng gần đó. Năm 2012, tích cóp và vay mượn được một khoản tiền kha khá, anh mở một công ty cầu đường nhưng nhanh chóng bị phá sản…
Tâm huyết với cà phê sạch
Năm 2013, hàng loạt sản phẩm cà phê trộn và tẩm hóa chất bị xử lý khiến tâm lý người tiêu dùng bất an. Đó chính là chất “xúc tác” thổi bùng ý tưởng làm cà phê sạch trong suy nghĩ của Công. Anh xin vào làm việc tại các xưởng chế biến cà phê ở TPHCM để học nghề và nghiên cứu tài liệu để nâng cao kiến thức chế biến cà phê.
Được một thời gian, Công gói ghém những kiến thức quý giá và hữu ích về cà phê để trở về Bình Phước hiện thực hóa “giấc mơ cà phê sạch” chỉ với số vốn giắt lưng ít ỏi 5 triệu đồng. Anh cất công đi khắp các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng để tìm hạt cà phê nguyên liệu ưng ý rồi tất tả lặn lội hơn 100 cây số lên TPHCM thuê máy rang xay, anh trực tiếp đứng máy, giao hàng cho khách.
Anh còn cải tiến máy rang lồng cầu trở thành máy rang cà phê Công tự động với quy trình rang đơn giản, dễ sử dụng, điều khiển toàn bộ quy trình rang, báo nhiệt độ, hút và xử lý bụi, xả nguội nhanh… với vốn đầu tư thấp.
Để cho ra lò một sản phẩm cà phê, Công lấy hạt cà phê Bình Phước làm chủ đạo kết hợp với cà phê của Đắk Lắk, Lâm Đồng theo tỷ lệ nhất định để tạo nên vị cà phê riêng biệt lôi cuốn và hấp dẫn cả những khách hàng khó tính.
Để thương hiệu bay xa
5 năm trăn trở cùng “giấc mơ cà phê sạch” không phải quãng đường quá dài nhưng bằng nỗ lực thương hiệu như cà phê Công Bình Phước đã tạo được chỗ đứng có uy tín trên thị trường trong, ngoài tỉnh và “được nhiều người biết đến thương hiệu Công cà phê như là thương hiệu cà phê đầu tiên của Bình Phước”-anh Công nói.
Mong muốn truyền cảm hứng và kinh nghiệm khởi nghiệp đến với mọi người, cuối năm 2016, dự án “Chiến binh cà phê” của Công đã chính thức khởi động với mục tiêu: Khẳng định thương hiệu cà phê nguyên chất Bình Phước trên thị trường và hỗ trợ thanh niên Bình Phước khởi nghiệp bằng nguồn cảm hứng kinh doanh cho những người có đam mê làm giàu từ cà phê nguyên chất.
Dự án đã nhanh chóng tạo sức lan tỏa bởi chi phí khởi nghiệp chỉ 6 triệu đồng và thanh niên khởi nghiệp Bình Phước sẽ được hỗ trợ 50%, bước đầu tạo kế sinh nhai cho nhiều người muốn bắt đầu công việc kinh doanh với vốn ít ỏi.
Hiện sản phẩm cà phê Công Bình Phước đã có mặt hơn 30 tỉnh, thành phố trong cả nước, kế hoạch của anh Công là “sẽ tiếp tục mở rộng đại lý cà phê và nhân rộng dự án Chiến binh cà phê ra toàn quốc”.
Với những thành tích đã đạt được, trong tháng 5-2018 Lê Hoàng Công được Trung ương Đoàn TNCS HCM tuyên dương Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ V, năm 2018.