Cảm kích trước trước tinh thần vì cộng đồng, dũng cảm đấu tranh chống tội phạm của nhóm hiệp sĩ Tân Bình (TPHCM) bị nạn vào tối 13-5, thời gian qua Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM đã tổ chức cuộc vận động quyên góp trong toàn ngành để kịp thời chia sẻ khó khăn với gia đình các anh. Kết quả, đã thu được 400 triệu đồng.
Tri ân việc làm cao cả cho xã hội
Ngày 2-7 vừa qua, trong dịp trao tặng toàn bộ số tiền toàn ngành giáo dục TPHCM ủng hộ các gia đình hiệp sĩ, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM, bày tỏ tình cảm trân trọng tinh thần dũng cảm của các hiệp sĩ, đã sẵn sàng xả thân để bảo vệ bình yên cho người dân: “Tinh thần dũng cảm của các hiệp sĩ xứng đáng là tấm gương để tuyên truyền cho giới trẻ, học sinh trong việc đấu tranh chống lại cái xấu, bảo vệ lẽ phải và sự bình yên cho cuộc sống. Sự chung góp của các thầy cô giáo và học sinh TPHCM với mong muốn kịp thời sẻ chia những mất mát, thương vong mà các hiệp sĩ và gia đình các anh đã và đang phải trải qua. Thay mặt lãnh đạo ngành GD-ĐT TPHCM, tôi gửi lời tri ân đến các hiệp sĩ và gia đình hiệp sĩ trước những việc làm cao cả cho xã hội”.
Xúc động về sự động viên, hỗ trợ đầy nghĩa tình của học sinh, giáo viên toàn ngành giáo dục TPHCM, hiệp sĩ Nguyễn Đức Huy (sinh viên năm cuối ngành Quản trị kinh doanh Trường Đại học Công nghiệp TPHCM) xúc động bày tỏ: “Tôi rất cảm động trước tấm lòng ưu ái của các thầy cô giáo và các em học sinh TPHCM đã dành cho chúng tôi”.
Nguyễn Đức Huy là anh cả trong gia đình có 3 anh em (em gái kế Huy hiện là sinh viên năm 2 Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, em trai út là học sinh lớp 5). Bố mẹ làm nghề bán bánh mì rong, thu nhập khá bấp bênh, nhiều năm trời, Huy một buổi đi học, buổi còn lại phụ bán buôn cùng mẹ. Kể về cơ duyên tham gia vào nhóm hiệp sĩ Tân Bình, Huy chia sẻ: “Hồi nhỏ, thường phụ giúp mẹ buôn bán ở lề đường, nên tôi chứng kiến nhiều vụ trộm cướp, bản thân đã rất bất bình. Năm 2015, tình cờ tôi gặp được thành viên trong nhóm hiệp sĩ. Ngay lập tức tôi đã xin gia nhập để tham gia đấu tranh chống cái xấu, cái ác”.
Mong nhóm hiệp sĩ tái hoạt động
Nguyễn Đức Huy cho biết anh được giao nhiệm vụ phát hiện và thông báo đến đồng đội những hành vi tội phạm mà mình bắt gặp, dù đang trên đường đến trường, hay từ trường về nhà, hoặc đi lại trên những tuyến đường tại khu phố, để gìn giữ sự bình yên cho người dân. Nhiều lúc Huy cùng đồng đội đã kề sát hiểm nguy vì những đối tượng xấu hung hãn chống cự, nhưng chưa một lần Huy nghĩ đến việc từ bỏ việc đấu tranh chống tội phạm. Sau sự cố ngày 13-5, Huy bị trọng thương phải nằm viện điều trị. Nói về dự định trong tương lai, Huy mỉm cười: “Tôi sẽ dùng số tiền mà mọi người ủng hộ để tiếp tục lo việc học và phụ giúp ba mẹ. Sau khi ra trường, tôi sẽ cố gắng làm việc và tiếp tục đồng hành cùng nhóm hiệp sĩ”.
Cũng giống như Huy, hiệp sĩ Trần Văn Hoàng (47 tuổi, trưởng nhóm hiệp sĩ Tân Bình) không giấu được niềm xúc động. Anh tâm sự: “Tôi làm nghề chạy xe ôm. Vợ bán hàng rong. Hiện gia đình 4 người còn ở phòng trọ. Nhận được số tiền này tôi rất cảm động, sẽ dùng vào những việc có ích giúp cho gia đình. Từ năm 1995, mỗi khi thấy các hành vi tội phạm của những đối tượng xấu, dù một mình, tôi vẫn sẵn sàng ngăn chặn. Đến năm 2013, tôi lập nhóm hiệp sĩ Tân Bình với 20 thành viên, mỗi người một ngành nghề khác nhau, từ sinh viên đến người chạy xe ôm, xe ba gác, bảo vệ… Hàng ngày đối diện với nhiều hiểm nguy. Hiện nay, ngoài 2 thành viên đã hy sinh, nhóm chỉ còn lại 9 thành viên. Sau khi sức khỏe hồi phục, tôi sẽ trở lại nghề xe ôm và nhóm hiệp sĩ Tân Bình sẽ hoạt động trở lại”.