Con người dĩ nhiên biết tắm táp từ thời nguyên thủy. Hoặc có thể trước đó nếu như học thuyết tiến hóa của Charles Darwin là đáng tin cậy. Động vật nói chung đều tắm rửa trừ cá tôm và các loài thủy tộc. Họ nhà mèo tưởng không tắm nhưng hổ báo vẫn vùng vẫy sông nước như thường.
Tắm cũng không phải chỉ duy nhất nhằm mục đích tẩy rửa cơ thể. Một vài dân tộc ít người sống trên núi cao coi tắm như một nghi lễ đón chào năm mới sau cả một năm không tắm. Họ làm sạch cơ thể chỉ bằng chiếc khăn mặt vắt vai. Người Kinh có tục lệ tắm “tất niên” cũng không nhằm đến việc sạch sẽ. Họ coi đó là một nghi lễ “tẩy trần” xua đi những vận hạn kém may mắn trong năm cũ. Ở miền Bắc, tắm “tất niên” được tiến hành vào đêm 30 Tết. Bên nồi bánh chưng ùng ục sôi bao giờ cũng có siêu nước đặt cạnh. Cả nhà phân chia nhau người già tắm trước, trẻ con tắm sau. Người lớn sau cùng. Đều phải xong trước giao thừa.
Chốn dân dã quanh năm tắm ao, tắm sông. Chỗ tắm cũng không cần kín đáo. Nhiều khi đưa bạn gái về quê thăm thú nghe thấy tiếng dội nước ùm ùm bên giếng là phải nháy mắt ra hiệu cho cô ấy đừng có đi ra ngoài sân.
Người thành phố lịch sự hơn nông thôn ở chỗ có nhà tắm từ thời Pháp thuộc. Hà Nội những năm trước 1990 vẫn còn khá nhiều nhà tắm công cộng ở nhà ga, bến xe và trên khu phố cổ. Tắm ở đấy phải trả tiền. Khăn mặt, xà bông phải mang theo. Dân phố giàu kinh nghiệm chỉ tắm vào buổi sáng. Buổi chiều buồng tắm khai mù cay mắt.
Những ngôi biệt thự cũ bị chia năm xẻ bảy cho khá nhiều hộ gia đình ở. Cái nhà tắm duy nhất của nó không còn đủ sức phục vụ quá nhiều người. Buổi chiều về đàn ông tắm ngay ngoài sân chung bằng gáo và chậu. Phụ nữ rồng rắn xếp hàng tắm trong cái buồng tắm duy nhất ấy. Nhiều hôm xảy ra cãi nhau chỉ vì cô gái vào trước vừa tắm vừa hát. Mà lại hát bài Hoa đẹp Chăm pa. Một bài hát cho điệu múa lăm vông của Lào muốn hát đến bao giờ cũng được. Thực ra hát cũng chỉ là để thông báo nhà tắm đang có người mà thôi.
Tiếng là tắm trong buồng nhưng cũng chỉ là tắm gáo. Vào cuối cuộc chiến tranh, Hà Nội thiếu điện nước nghiêm trọng. Không còn bất cứ chiếc vòi tắm nào có thể hoạt động. Hứng được xô nước cũng phải mất hàng giờ đồng hồ. May ngày ấy dân phố không có nhiều xà bông nên hạn chế tắm rửa cũng là phù hợp với tình hình nhu yếu phẩm phân phối. Buổi chiều đi làm về chỉ cần một gáo nước nhỏ thấm ướt chiếc khăn mặt lau người cũng xong. Những ai làm việc ở cơ quan cũng có thể tranh thủ tắm giặt trước khi ra về.
Giờ thì dân phố ai ai cũng đều có nhà tắm gia đình. Nhiều nhà có đến ba bốn cái. Cửa hàng thiết bị vệ sinh luôn nườm nượp người mua. Tắm rửa cũng không còn đơn giản như trước nữa. Bồn tắm massage có vòi áp lực cao với hàng chục loại xà phòng và dầu tắm riêng biệt. Đặc biệt không còn thấy ai hát trong nhà tắm nữa. Cơ cấu khán giả đã thay đổi. Ngày trước hát còn có hàng xóm nghe.
Không chỉ tắm ở nhà, bà con sống trong các quận ven nội Thanh Xuân, Hà Đông, Từ Liêm, Hoàng Mai…vài năm nay đã tập được thói quen tắm ở nhà nghỉ, khách sạn. Thói quen này được hình thành khi đường ống nước Sông Đà đã vỡ đến lần thứ 13. Mất nước diện rộng khiến cho mọi người phải nhao vào các nhà nghỉ khách sạn nội thành mà tắm. Tất nhiên tắm ở đấy bây giờ chẳng phải mang theo cái gì ngoài tiền.
Lại có sáng kiến xây dựng Công viên truyện Kiều của các nhà khoa học hôm Hội thảo truyện Kiều nhân 250 năm kỷ niệm ngày sinh của thi hào Nguyễn Du. Sáng kiến mang tầm quốc tế với dẫn chứng đanh thép người Tây Ban Nha, người Trung Quốc đã làm Bảo tàng Don Quixote và Bảo tàng Hồng Lâu Mộng. Có cả “Bảo tàng ngây thơ” của người Thổ Nhĩ Kỳ nữa? Chắc hẳn nhà khoa học nêu ra sáng kiến này rất thấm nhuần mấy câu tả cô Kiều tắm trong Truyện Kiều: Buồng the phải buổi thong dong/ Thang lan rủ bức trướng hồng tắm hoa/ Rõ rành trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên… Xây nhà tắm cho Kiều hẳn là chẳng khó khăn và không sợ dư luận mè nheo gì cả!
ĐỖ PHẤN