Tạm giam bị can Trịnh Xuân Thanh

Trịnh Xuân Thanh bị khởi tố về hành vi "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" do có liên quan tới những thất thoát, thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng ở Tổng Công ty PVC giai đoạn 2011-2013.
Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú sau gần 1 năm bỏ trốn
Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú sau gần 1 năm bỏ trốn
Ngày 7-8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra lệnh tạm giam bị can Trịnh Xuân Thanh (51 tuổi, trú tại khu tập thể Ciputra, quận Tây Hồ, Hà Nội, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang) để điều tra về hành vi "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản".

Trước đó, sau gần 1 năm bỏ trốn ra nước ngoài, ngày 31-7, bị can Trịnh Xuân Thanh đã về nước và ra đầu thú tại Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an. Trong đơn xin đầu thú của Trịnh Xuân Thanh tại Cơ quan An ninh điều tra có đoạn viết: Tôi thấy lo sợ trước kết luận về vi phạm của tôi và phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu trong thua lỗ của PVC. Do lo sợ, suy nghĩ không hết, tôi đã quyết định trốn tránh ở Đức. Trong thời gian này, cuộc sống trốn tránh, bấp bênh luôn lo sợ, được sự động viên của bạn bè, gia đình, tôi đã về Việt Nam và ra đầu thú tại Cơ quan An ninh điều tra để được hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật. Trịnh Xuân Thanh cũng thừa nhận việc trốn tránh là do "suy nghĩ chưa chín chắn" và trong quá trình đó đã nhận ra cần phải về để "đối diện với sự thật, gặp lại mọi người, nhận khuyết điểm và xin lỗi".

Trịnh Xuân Thanh bị khởi tố về hành vi "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" do có liên quan tới những thất thoát, thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng ở Tổng Công ty PVC giai đoạn 2011-2013. Đây cũng là thời điểm mà PVC dưới sự điều hành quản lý của Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận (nguyên Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PVC) đã để xảy ra kết quả kinh doanh bết bát thua lỗ nặng nề nhất. 

Theo các báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ và kiểm toán, trong giai đoạn năm 2011-2013, dưới sự điều hành của chủ tịch HĐQT Trịnh Xuân Thanh và tổng giám đốc Vũ Đức Thuận, PVC sử dụng phần vốn điều lệ đáng kể đầu tư góp vốn vào các công ty con, công ty liên kết trong lĩnh vực bất động sản và đầu tư tài chính. Tuy nhiên, các đơn vị này bộc lộ sự yếu kém trong hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến tình trạng thua lỗ. 

Tại nhiều công trình, dự án lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PVC được tham gia thực hiện với tư cách là tổng thầu hoặc nhà thầu lớn, nhưng sau khi nhận công trình, PVC lại chỉ định cho các công ty con hoặc bán thầu cho doanh nghiệp bên ngoài thi công. Riêng năm 2012, một số dự án trọng điểm bị ngừng, giãn tiến độ hoặc vướng mắc chưa triển khai được khiến PVC thua lỗ hơn 1.800 tỷ đồng. 

Còn qua báo cáo của Ban kiểm soát tại Hội đồng cổ đông thường niên của PVC năm 2014 cho biết, năm 2013 PVC thua lỗ hơn 2.200 tỷ đồng, trong đó riêng công ty mẹ lỗ hơn 1.900 tỷ đồng. Lũy kế cuối năm 2013, PVC lỗ hơn 3.200 tỷ đồng. Trong năm 2013, hoạt động sản xuất kinh doanh tại các công ty con của PVC gặp rất nhiều khó khăn, nhiều đơn vị gần như không có việc làm.

Đối với hành vi "Tham ô tài sản", tại phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo xảy ra tại Dự án Thanh Hà - Cienco 5 Land diễn ra vào tháng 3-2017, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với bị can Trịnh Xuân Thanh về tội danh "Tham ô tài sản" theo quy định tại Điều 278 Bộ luật Hình sự. 

Cơ quan bảo vệ pháp luật cho rằng có căn cứ xác định bị can Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo Nguyễn Ngọc Sinh (nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam - PVP Land), Đào Duy Phong (nguyên Chủ tịch HĐQT PVP Land) - đại diện phần vốn góp của PVC tại PVP Land ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PVP Land tại Công ty cổ phần dịch vụ xuyên Thái Bình Dương với giá thấp hơn giá thực tế chuyển nhượng của các cổ đông theo hợp đồng đặt cọc ngày 27-3-2010 để hưởng khoản tiền chênh lệch giá 18 triệu đồng/m². 

Trong quá trình điều tra vụ án này, một số bị can đã khai nhận vai trò của Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo bán đất tại dự án Nam Đàn Plaza với giá 40 triệu đồng/m² nhưng chỉ thể hiện trong hợp đồng là 35 triệu đồng/m², phần chênh lệch 5 triệu đồng/m² để chia nhau và Phong đã thông báo lại với Nguyễn Ngọc Sinh để triển khai thực hiện. Sau đó Sinh đề nghị rút bớt thêm 1 triệu đồng/m² để lấy tiền chi phí và Phong đã đồng ý.


Tin cùng chuyên mục