Theo báo cáo, ngày 5-8, TP Đà Nẵng ghi nhận 77 ca mắc Covid-19 mới. Trong đó, có 13 ca trong khu vực phong tỏa, 5 ca chưa được cách ly khi lấy mẫu, 59 ca được cách ly.
Qua kiểm tra thực tế, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, các vùng cách ly y tế ở quận Sơn Trà được thực hiện nghiêm túc, số ca mắc Covid-19 có chiều hướng giảm. Những ngày tới, các đơn vị địa phương đề nghị tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp, kiểm soát chặt các khu phong tỏa, thu hẹp các vùng cách ly, không để dịch bệnh lây lan. Các địa phương phát sinh ổ dịch mới phải tập trung khoanh vùng, làm chặt, không để phát sinh điểm nóng mới trên địa bàn.
Ngoài việc tuyên truyền, ông Quảng cũng yêu cầu xử phạt nghiêm để hạn chế trường hợp người dân ra ngoài đường khi không cần thiết. Một số kiến nghị của UBND quận Sơn Trà như tạm dừng thu tiền điện, nước; hỗ trợ người dân rút tiền mặt; bố trí phương tiện vận chuyển bệnh nhân tâm thần, ung bướu; hỗ trợ cho công nhân đang làm việc ở Đà Nẵng, Quảng Nam muốn về lại địa phương… thì Ban Chỉ đạo cần có phương án giải quyết sớm.
“Vấn đề người dân ở trong khu cách ly thì rút tiền mặt bằng cách nào thì các đồng chí nghiên cứu, có đề xuất sớm về việc này”, ông Quảng nói.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, số F1 đang tăng lên nên các đơn vị cần khẩn trương tìm kiếm khu cách ly mới, tận dụng địa điểm sẵn có và bổ sung cơ sở vật chất cần thiết. Để kiểm soát chặt chẽ phòng chống dịch tại điểm nóng quận Sơn Trà, ông cũng thống nhất việc đóng cầu Thuận Phước và cầu sông Hàn. Ông Chinh cũng thống nhất đề nghị công ty điện lực, cấp nước không thực hiện việc thu tiền trong thời gian này ở vùng cách ly y tế quận Sơn Trà.
“Các nhân viên công ty cấp điện, nước chỉ được vào khu vực nóng khi có sự cố nhằm khắc phục kịp thời cho người dân; hoạt động thu tiền nước không được cấp phép trong giai đoạn này vì thực sự chưa cần thiết”, ông Chinh giải thích.
Đề cập việc cấp giấy đi đường, nhiều người dân gọi đến chỉ hầu hết phản ánh các chốt kiểm soát và giấy đi đường như thẩm quyền về cấp xác nhận, một cơ quan nhà nước nhưng lại 2 con dấu do có đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Ông Chinh đề nghị các UBND phường, xã xác nhận cho người dân những trường hợp cần thiết mới ra khỏi nhà hoặc đi trong ngày. Trường hợp có người dân đi nước ngoài, ra ngoài tỉnh thì TP Đà Nẵng sẽ duyệt. Văn phòng cũng cần có hướng dẫn xung quanh về giấy đi đường để các chốt nắm và triển khai thống nhất, hiệu quả.
Từ ngày 5-8, TP Đà Nẵng bước đầu thí điểm phương án cách ly F1 tại nhà ở quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang. Sau đó tùy thực tế, TP sẽ hoàn thiện phương án, xem xét mở rộng. Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, trên tinh thần hướng dẫn của Bộ Y tế và tình hình dịch bệnh ở TP Đà Nẵng, TP quyết định thí điểm cách ly tại nhà đối với F1 trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang. Tại các hộ có F1 cách ly được căng dây, treo biển Điểm khác của Đà Nẵng so với hướng dẫn của Bộ Y tế khi áp dụng thí điểm cách ly tại nhà là các F1 đã được cách ly tập trung 7 ngày và lấy mẫu xét nghiệm 3 lần âm tính với SARS-CoV-2. Ngoài việc cam kết thực hiện của bản thân và người nhà, bản thân F1 hoặc người chăm sóc phải có điện thoại hoặc thiết bị di động truy cập internet, bảo đảm có người cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm trong trường hợp tất cả người trong nhà đều là F1 cách ly tại nhà. Điều này giúp tăng độ an toàn khi triển khai cách ly tại nhà, giảm áp lực cho các đơn vị, địa phương, đồng thời giảm nguy cơ lây chéo trong các khu cách ly tập trung. Trước khi được về nhà, những F1 này đã cách ly tập trung 7 ngày nên có những kiến thức, kinh nghiệm cơ bản trong các thao tác cách ly. Đặc biệt, trong gia đình người thực hiện cách ly y tế tại nhà không có người già, hoặc người có bệnh nền cần chăm sóc y tế. Để triển khai kế hoạch thí điểm, các đơn vị, địa phương đã xây dựng phương án, khảo sát từng gia đình F1, nếu đủ các điều kiện như nhà tầng, có phòng riêng, lối đi riêng, địa điểm cách ly là nơi xe cấp cứu có thể vào được… mới được đưa về nhà cách ly. |