Chưa có tiền lệ
Hơn 20 ngày qua, người dân xã Mỹ Thắng liên tục tụ tập, chặn xe, bắt người để phản đối Dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ. Sáng 3-12, khi nghe tin có lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định về đối thoại, hàng trăm người dân, trong đó có cả học sinh, người già kéo đến tuyến đường ĐT639 (Phù Mỹ) để tiếp tục tụ tập, chặn giữ xe, bắt giữ 2 người lạ.
Đến 8 giờ sáng, tại trụ sở UBND xã Mỹ Thắng, đoàn công tác của UBND tỉnh Bình Định do ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, dẫn đầu đã tổ chức đối thoại với người dân Mỹ Thắng. Mở đầu buổi đối thoại, ông Hồ Quốc Dũng trăn trở: “Dự án này là năng lượng tái tạo, năng lượng gió. Điện mặt trời là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước chứ không phải tỉnh Bình Định tự đẻ ra. Cả thế giới người ta đều đã làm hết. Trong nước ta các tỉnh ven biển Bình Thuận, Ninh Thuận và cả Gia Lai,… người ta đều làm hết. Chỉ ở các xã phía Đông huyện Phù Mỹ làm cái gì, dự án gì cũng không được. Ngay cả việc sửa đường, người dân cũng không cho làm là sao?”.
Nhiều hộ dân cho rằng, mấu chốt của vấn đề nằm ở sự nhập nhằng, thiếu quyết đoán của chính quyền. Bởi, từ năm 2005 đến nay, đã có nhiều dự án dân sinh dự định triển khai tại xã Mỹ Thắng, nhưng sau đó mọi dự án đều bỏ ngỏ không triển khai được; có doanh nghiệp đến xin thuê đất khai thác đá, sau đó bỏ đi… Vào năm 2011, tại xã Mỹ Thắng cũng xảy ra sự việc người dân chặn đường, bắt nhốt hàng chục cán bộ để phản đối dự án cấp nước sạch sinh hoạt vùng ven biển phía Đông huyện Phù Mỹ (nguồn vốn từ Ngân hàng Phát triển châu Á). Tuy nhiên, sau đó chính quyền lại bỏ ngỏ suốt 7 năm không xử lý dứt điểm sự việc.
Một số cao niên tại xã Mỹ Thắng đề nghị, trước hết lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định và ngành chức năng cần giải quyết dứt điểm những tồn đọng đã “nợ” dân trước đó. Tiếp đó, tập trung xử lý các thành phần quá khích kêu gọi tụ tập, ngăn chặn, phản đối. Về việc triển khai dự án, các hộ dân yêu cầu địa phương cần nghiên cứu giảm diện tích, tránh khu rừng phòng hộ ven biển; chừa lối để dân ra biển đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản…
Cần thiết lập lại trật tự
Ông Trần Châu thừa nhận, những lỗi trên là do từ 2 phía: công tác tuyên truyền của địa phương chưa đến tai dân; một số bộ phận người dân cố tình không chịu lắng nghe. Về việc phản ánh dự án nước sạch sinh hoạt các xã ven biển, phía Đông huyện Phù Mỹ, triển khai từ năm 2009 nhưng khi đơn vị đầu tư đến khảo sát thì bị dân cản trở, đập phá,… nên Ngân hàng Thế giới hủy quyết định tài trợ. Tuy nhiên, sắp tới chính quyền địa phương sẽ nghiên cứu để làm sao đưa nước sạch đến với bà con.
Đối với dự án điện mặt trời; ban đầu dự án dự kiến lấy diện tích đến 380ha nhưng qua khảo sát bước 1 đã rút xuống còn 320ha. Trong đó vẫn còn diện tích rừng dương trên dưới 5 tuổi. Sau đó, tỉnh đã có quyết định diện tích nào có rừng dương thì bỏ ra ngoài dự án (khoảng 132ha), chỉ làm trên diện tích đất trống.
Ông Hồ Quốc Dũng kết luận: Tới đây, những tồn đọng chưa được giải quyết, UBND tỉnh sẽ tập trung giải quyết dứt điểm. “Tôi xin cam đoan với bà con, từ trước cho đến bây giờ và mãi mãi sau này, sẽ không có một doanh nghiệp nào được phép khai thác titan trên địa bàn xã Mỹ Thắng. Trước mắt, sẽ cho tạm dừng dự án để tiếp tục làm rõ những điều dân đang thắc mắc. Cần thiết chúng ta thuê 1 chiếc xe chở dân đi đến các dự án điện mặt trời tại các tỉnh đã làm được để tham khảo, tìm hiểu”, ông Dũng nói. Theo ông Hồ Quốc Dũng, tỉnh sẽ lấy ý kiến rộng rãi từng nhà dân, khi nào đồng thuận thì mới cho triển khai dự án. Tỉnh chỉ cho thực hiện dự án trên phần diện tích đất trống, trắng và một phần diện tích đất xấu người dân đang trồng keo, điều, không đụng đến khu rừng phòng hộ…