Liên quan vụ bé gái 18 tháng tuổi bị phỏng nước sôi hai bàn chân sau khi đi học về, trao đổi với chúng tôi vào chiều 6-11, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM cho biết, Hội đã nhận được đơn kêu cứu của gia đình bé B.N.A và đang tiến hành các bước xử lý vụ việc.
Sáng 5-11, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM đã phối hợp với UBND xã Đông Thạnh có buổi làm việc với chủ cơ sở giữ trẻ. Bước đầu, địa phương đã ra quyết định xử phạt hành chính cơ sở giữ trẻ 2 triệu đồng vì nhận giữ bé 18 tháng trong khi giấy phép hoạt động chỉ đăng ký giữ trẻ mẫu giáo (3-5 tuổi), cô giáo liên quan vụ bạo hành vốn là nhân viên tạp vụ được điều động lên làm giáo viên, không có bằng cấp chuyên môn theo đúng quy định. Đáng nói, thời điểm xảy ra vụ việc, chủ cơ sở đã phân công cho giáo viên này trông giữ lớp gồm 14 bé.
Về tình trạng vết thương hiện tại, đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM cho biết, sau khi đón bé từ cơ sở giữ trẻ về, thấy con khóc hoài nên gia đình kiểm tra thì phát hiện hai chân bé có biểu hiện bị phồng rộp.
Sau khi sơ cứu vết thương, bé vẫn khóc dữ nên gia đình kiểm tra lưng thì phát hiện toàn bộ lưng của bé cũng có dấu hiệu bị phỏng. Giải thích về những vết phỏng này, cô giáo nói với gia đình bé tự gạt máy nước nóng trong nhà tắm nên bị phỏng. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy cần gạt máy nước nóng cao hơn đầu bé nên khó xảy ra việc bé tự gạt cần máy nước nóng.
Qua phân tích, tìm hiểu, cô giáo này đã thú nhận lỡ tay tạt nước sôi vào nhà tắm mà không biết bé A. đang ở trong đó. Bước đầu, chủ cơ sở và giáo viên đã đồng ý bồi thường cho gia đình bé số tiền 23 triệu đồng.
Tuy nhiên, số tiền này chưa được gia đình chấp nhận do vết thương ở một bên chân có dấu hiệu bị nhiễm trùng và làm mủ, từ khi xảy ra sự việc đến nay, ba của bé phải nghỉ làm, vào bệnh viện chăm sóc con nên gia đình mất đi thu nhập, sức khỏe tinh thần chịu nhiều ảnh hưởng. Hiện, vết phỏng ở lưng đã bắt đầu khô, một chân bị phỏng có chuyển biến tốt nhưng chân còn lại vẫn phải tiếp tục theo dõi.
Về phía cô giáo gây ra vụ việc, hoàn cảnh gia đình cô cũng khó khăn nên không có khả năng đền bù số tiền lớn hơn cho gia đình bé A. Bên cạnh đó, giữa giáo viên và chủ cơ sở chưa thống nhất được tỷ lệ tiền đền bù cho gia đình.
Trước mắt, Hội Bảo vệ quyền trẻ em ưu tiên việc hồi phục sức khỏe thể chất và tinh thần cho bé, đồng thời động viên gia đình tìm cơ sở giữ trẻ an toàn để ổn định tâm lý bé. Được biết, bé A. được gia đình gửi tại cơ sở này từ 15 tháng tuổi. Khi xảy ra vụ việc, bé đã đủ 18 tháng nên đủ điều kiện gửi vào cơ sở giữ trẻ công lập trên địa bàn.
Cũng trong chiều 6-11, thông tin từ phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn cho biết, cơ sở đã bị đình chỉ hoạt động để tiến hành điều tra, xử lý vụ việc.
Trước đó, ngày 5-11, anh Bùi Văn T. (ngụ xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn) đã gửi đơn kêu cứu đến Hội Bảo bệ quyền trẻ em TPHCM về việc con gái mình là bé B.N.A (18 tháng tuổi) bị phỏng chân bất thường khi được giữ tại cơ sở mầm non A.N. (xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn).
Đoạn chia sẻ của ba mẹ bé trên mạng xã hội
Theo đó, chiều ngày 29-10, sau khi đón bé A. từ trường mầm non trở về nhà, thấy bé A. liên tục khóc thét, đứng xuống đất tỏ ra đau đớn nên anh T. kiểm tra thì bàng hoàng phát hiện hai bàn chân của bé bị phỏng, sưng tấy lên.
Sau khi khám bệnh cho bé, ngay hôm sau (30-10), anh T. đến trường để làm rõ vụ việc. Tại đây, cô giáo cho rằng bé tự gạt cần máy nước nóng nên mới gây ra phỏng chân, phía nhà trường cũng đồng ý hỗ trợ chi phí khám, điều trị cho bé A.