Hiện một loạt các nước Liên minh châu Âu (EU) liên tục yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) gây sức ép với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nhằm ngăn chặn những dòng người di cư vượt qua biên giới Ba Lan để vào các nước khác (như Đức, Hà Lan, Pháp…).
Cuộc khủng hoảng chính trị nổ ra sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 đã biến Belarus, từ một nhà bảo trợ cho sự ổn định trong khu vực, thành một quốc gia bị EU ruồng bỏ. Trong vài tháng nay, chính quyền Belarus luôn khẳng định rằng đàm phán với họ là cách duy nhất để giải quyết hàng ngàn người di cư đang mắc kẹt tại các khu vực biên giới giữa EU - Belarus.
Để đổi lấy việc ngăn chặn dòng người tị nạn thì châu Âu phải gỡ bỏ các lệnh trừng phạt, công nhận chiến thắng của Tổng thống Lukashenko trong cuộc bầu cử và nhiều vấn đề khác nữa.
Theo giới quan sát, Belarus đã thành công khi “buộc” châu Âu phải đàm phán với nước này một lần nữa khi ngày 17-11, EC đã xác nhận sẽ tham gia những cuộc đàm phán với Cao ủy Liên hiệp quốc, Tổ chức Di cư quốc tế và Belarus về giải pháp hồi hương những người di cư đang tìm cách vượt qua biên giới Ba Lan.
Trước đó, Tổng thống Lukashenko khuyến cáo EU nên suy nghĩ về việc vận chuyển khí đốt và hàng hóa đi qua Belarus. Theo hãng tin RT, trong một động thái mới nhất, ngày 17-11, Belarus đã thông báo việc “sửa chữa đột xuất” phần nhánh đi qua nước này trong đường ống hữu nghị dẫn dầu từ miền Trung nước Nga tới Ba Lan, Hungary, CH Czech và Đức. Việc bảo trì này sẽ khiến nguồn cung dầu có thể bị gián đoạn trong ngắn hạn.
Trong lúc này, hàng ngàn người đang chịu đựng giá rét ở các trại tạm trong rừng tại biên giới Belarus để được vào EU. Cuộc khủng hoảng ở biên giới Belarus - Ba Lan leo thang thành một cuộc đối đầu vũ trang có thể khó xảy ra.
Nhưng thay vào đó, EU sẽ phản ứng bằng các biện pháp trừng phạt mới chống lại Belarus và nhiều khả năng sớm triển khai trong những tuần tới. Điều này cũng đồng nghĩa cuộc khủng hoảng người tị nạn sẽ diễn biến chậm hơn, nhưng có thể kéo dài trong nhiều năm như đã xảy ra ở khu vực Balkan.