Ngày 16-10, tại Hội nghị (mở rộng) Ban Chấp hành Đảng bộ TP Thủ Đức lần thứ 3, khóa I, nhiệm kỳ 2020-2025, người đứng đầu Đảng bộ TPHCM đã nhắc lại: “Yêu cầu các chủ nhà trọ khi xây dựng phải thực hiện đúng quy cách, trước hết phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch và công tác phòng cháy chữa cháy”.
Trước đó, ngày 11-10, tại buổi tiếp xúc cử tri, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, đã cam kết về 1 trong 11 kế hoạch thành phần phục hồi khẩn cấp sau đại dịch là xây nhà cho công nhân và người thu nhập thấp.
Đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh: “Thành phố đón một lượng lớn người lao động đến đây góp phần xây dựng, phát triển thành phố, nhưng việc chăm lo cho họ chưa có sự đầu tư đúng mức. Thời gian tới, thành phố sẽ thực hiện tốt hơn, sẽ phát triển nhà ở với giá thấp nhất có thể, để công nhân dễ tiếp cận, qua đó thay thế các chung cư cũ, nhà trên kênh rạch, cải thiện các khu nhà trọ ẩm thấp hiện nay. Đây là một trong những việc chính quyền thành phố đã thấy, cần phải làm ngay”.
Rõ ràng, sự thống nhất về tầm nhìn và mục tiêu phát triển đô thị của lãnh đạo thành phố phát xuất từ chính những “điểm nghẽn” mà ngay trong đỉnh dịch Covid-19 vừa qua đã bộc lộ rất rõ, giờ đây cần được tính toán và xúc tiến để tập trung khắc phục một cách mạnh mẽ, hiệu quả. Tính hiệu quả phải được quy đổi bằng giá trị phục vụ đúng đối tượng thụ hưởng, đúng với mức giá bán ưu đãi - mức thu nhập của người nghèo…
Một thành phố với ưu thế phát triển công nghiệp - dịch vụ, vậy mà sự “đối ứng” từ khu công nghiệp - khu chế xuất, Khu Công nghệ cao lại không đi cùng “hệ dây chuyền” nhà ở, khu lưu trú, chính sách an sinh đảm bảo chất lượng sống cho công nhân, người lao động. Sự tôn trọng, đối đãi theo kiểu “mỗi cư dân luôn là tài sản quốc gia” - mà ở đây chính là tài sản của doanh nghiệp, của thành phố; điều kiện lao động và thu nhập là “bộ tam sên” để giữ chân người lao động, người nhập cư một khi đã chọn thành phố làm nơi lập nghiệp. Chỉ như vậy, nếu phải rơi vào khủng hoảng, mới đủ sức gắn bó, đồng hành, chia sẻ cùng nhau đi qua rủi ro.
Từ trong đau thương, mất mát và sự cố gắng gồng gánh, chống chịu trong suốt hơn 4 tháng vừa qua, từ chính quyền thành phố đến doanh nghiệp và người dân, hơn bao giờ hết cần đối diện với thực tế, cùng nhau cam kết vượt qua, vượt lên để phục hồi và “tái thiết” thành phố một cách mạnh mẽ hơn, bền vững hơn. Phải xác định rõ cư dân là tâm điểm của quá trình phát triển và tiến tới những hành động hết sức thiết thực để phục vụ cho những công dân của mình. Cho dù phát triển dưới mô thức kinh tế - thị trường nào, loại hình đô thị nào thì con người với chất lượng sống văn minh trên nền tảng văn hóa và di sản truyền thừa, kế tục mới là “linh hồn” và là mục tiêu cao nhất.
“Thương hiệu” của Sài Gòn - TPHCM vốn luôn được đặt để, gắn kết trong giá trị phát triển của cả nước, nhất là khu vực phía Nam. Trải qua cơn dịch bệnh, thành phố này càng hiểu rõ sức mạnh cộng sinh với các địa phương và ngược lại. Ngay trong những ngày thành phố từng bước mở cửa, các đoàn công tác (đợt 1) của thành phố đã tranh thủ đi thăm, làm việc và tặng quà hỗ trợ công tác phòng chống dịch của một số tỉnh bạn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hơn cả một lời cảm ơn các địa phương đã sát cánh cùng thành phố trong những ngày khó khăn, đây còn là dịp cùng nhau chia sẻ những bài học, kinh nghiệm, thực hiện chuyển giao đội ngũ chuyên môn, kỹ thuật trong hoạt động y tế phòng chống dịch.