Campuchia và Việt Nam là hai quốc gia láng giềng nằm trên bán đảo Đông Dương, thuộc vùng hạ lưu sông Mekong, cùng uống chung dòng nước Mekong. Điều đặc biệt hơn nữa là hai nước đều nằm ở vị trí địa chính trị quan trọng bậc nhất, là trung tâm kết nối giữa khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Hai nước luôn có mối quan hệ gắn bó, chia sẻ, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, trong công cuộc giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho đến hôm nay.
Trong 57 năm qua, tuy trải qua nhiều thăng trầm lịch sử nhưng mối quan hệ giữa hai đất nước không ngừng phát triển, được tôi luyện vượt qua nhiều thử thách, phát triển ngày càng sâu rộng và hiệu quả trên mọi lĩnh vực, trở thành tài sản chung vô giá của hai dân tộc, hai đất nước.
Mối quan hệ giữa Việt nam - Campuchia đã tiến triển mạnh mẽ và tiến bộ, không ngừng củng cố và tăng cường tình đoàn kết và hữu nghị truyền thống tốt đẹp theo tinh thần “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài”.
Cụ thể, trong chuyến thăm của người đứng đầu Chính phủ Campuchia Samdech Thipadei Hun Manet tới Việt Nam vào tháng 12-2023, hai bên đã thể hiện mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ truyền thống lâu đời giữa hai nước. Lãnh đạo hai nước cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ, tăng cường và mở rộng hơn nữa hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Trong suốt 57 năm, mối quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước đã đặt nền móng vững chắc và tạo đà thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời lên một tầm cao mới, đảm bảo ổn định lâu dài quan hệ giữa hai quốc gia và nhân dân hai nước, bất chấp tình hình chính trị khu vực và thế giới đang có những diễn biến bất thường.
Trong bối cảnh Campuchia theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập dựa trên nền tảng luật pháp, tuân thủ các nguyên tắc của chủ nghĩa đa phương và Hiến chương Liên Hợp quốc, Campuchia luôn xem Việt Nam là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình. Trong khi đó, Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, chủ động, tuân thủ các nguyên tắc đa phương và đa dạng hóa quan hệ quốc tế, luôn xem Campuchia là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại.
Các chuyến thăm ngoại giao của lãnh đạo cấp cao hai nước diễn ra thường xuyên. Qua đó, hai bên luôn nhất trí và tái khẳng định các nguyên tắc trong quan hệ song phương, thống nhất định hướng thúc đẩy và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác đa phương và thiết lập cơ chế, lộ trình đàm phán cụ thể để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục thúc đẩy, đưa quan hệ hai nước chuyển sang giai đoạn phát triển mới.
Tháng 11-2000, Việt Nam - Campuchia đã ra tuyên bố chung xác định các nguyên tắc ưu tiên trong quan hệ song phương giữa hai nước, trong đó nhấn mạnh hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng - an ninh, kinh tế - thương mại, giáo dục - đào tạo, văn hóa và y tế, đẩy mạnh các hoạt động giao lưu hữu nghị văn hóa, thể thao và hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các cơ quan bộ, ngành, ủy ban chuyên trách của Quốc hội, công đoàn, tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương của hai nước.
Hai bên khẳng định quan hệ Campuchia - Việt Nam đang phát triển tốt đẹp và ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực. Cơ chế hợp tác song phương được duy trì tốt và phát huy hiệu quả, đặc biệt là các cuộc gặp giữa lãnh đạo cấp cao Đảng Nhân dân Campuchia và lãnh đạo cấp cao Đảng Cộng sản Việt Nam, hội nghị ủy ban hỗn hợp về kinh tế, văn hóa, khoa học và công nghệ, hội nghị giữa các tỉnh biên giới...
Qua đó, hai bên đã đạt được một số thỏa thuận chiến lược, không chỉ định hướng quan hệ chung giữa hai nước mà còn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hoạt động trao đổi thông tin và kinh nghiệm được đề cao và nhân rộng, nhiều văn kiện pháp luật đã được ký kết, làm cơ sở phát triển hợp tác trên mọi lĩnh vực giữa hai nước.
Bên cạnh tăng cường và mở rộng quan hệ cấp cao, hai nước luôn đặc biệt quan tâm đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao nhân dân, coi đây là nền tảng vững chắc để gắn kết, làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.
Hợp tác quốc phòng - an ninh tiếp tục được đề cao, phát huy hiệu quả và trở thành trụ cột quan trọng trong quan hệ Campuchia - Việt Nam. Hai bên tích cực triển khai Nghị định thư về hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng giai đoạn 2020-2024, Kế hoạch hợp tác quốc phòng và an ninh thường niên giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam với Bộ Nội vụ Campuchia.
Hai bên cũng tái khẳng định nguyên tắc không cho phép bất kỳ lực lượng nào sử dụng lãnh thổ nước này để chống phá nước kia; hợp tác xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển; phối hợp chặt chẽ trao đổi thông tin, giải quyết các vấn đề, sự kiện phát sinh ở khu vực biên giới; thúc đẩy tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới, ngăn chặn triệt để các hoạt động vượt biên trái phép; duy trì tuần tra chung trên biển, phòng chống hoạt động phá hoại của các lực lượng thù địch và tội phạm xuyên quốc gia.
Trên cơ sở quan hệ chính trị tốt đẹp, hai bên đã tích cực thúc đẩy và đề cao hiệu quả hợp tác song phương. Kể từ khi ký kết Hiệp định Kinh tế và Thương mại Việt Nam - Campuchia (1998) đến nay, quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước đã phát triển vượt bậc, tạo điều kiện thuận lợi cho tăng cường và mở rộng hợp tác toàn diện giữa hai bên.
Cuối năm 2023, lãnh đạo hai nước Việt Nam - Campuchia nhất trí mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 20 tỷ USD trong thời gian tới.
Về đầu tư, tính đến thời điểm này, Việt Nam có 205 dự án đầu tư vào Campuchia, với tổng vốn đăng ký 2,94 tỷ USD, dẫn đầu ASEAN và là một trong 5 quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất trên đất nước Chùa Tháp.
Đặc biệt, Campuchia đứng thứ hai trong số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng và tạo việc làm cho một lượng lớn người lao động Campuchia.
Trong hành trình 57 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, Campuchia và Việt Nam không ngừng đề cao và thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, từ thời điểm Campuchia tái lập Vương quốc thứ hai cho đến hôm nay. Hai nước đã cùng nhau trải qua nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng. Nhân dân hai nước luôn đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước, giành độc lập dân tộc trước thực dân và đế quốc.
Điều đặc biệt quan trọng là Campuchia đã hỗ trợ Việt Nam trong sự nghiệp thống nhất đất nước, trong khi Việt Nam hỗ trợ đất nước Campuchia trong công cuộc đánh đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.
Kinh qua nhiều thử thách, được tôi luyện trong nhiều bối cảnh, tạo dựng được nền móng vững chắc, cộng với những điểm tương đồng trong chính sách đối ngoại, đã tạo động lực thúc quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời Việt Nam - Campuchia lên một tầm cao mới, ngày càng phát triển, cụ thể, sâu rộng và hiệu quả trên mọi lĩnh vực, trở thành tài sản chung vô giá, trường tồn và không gì lay chuyển được của hai dân tộc.
Hai nước sẽ kề vai sát cánh mật thiết hơn nữa để cùng hướng tới tầm nhìn trở thành quốc gia phát triển của Campuchia vào năm 2050 và của Việt Nam vào năm 2045.