Tấm bánh chưng mang vị chát bàng vuông

Dịp tết năm 2012, chúng tôi có mặt cùng đoàn công tác trên tàu HQ-936 đặt chân lên đảo Phan Vinh thuộc quần đảo Trường Sa. Lính đảo mến khách nên vừa gặp đã đon đả mời: “Các anh ở lại ăn tết sớm với chúng tôi nhé!”. Lời mời ấy đã thành hiện thực khi biển động, cả đoàn không thể trở lại tàu và lần đầu tiên giữa trùng khơi, chúng tôi được thưởng thức những tấm bánh chưng mang vị chát bàng vuông…

Đã thành thông lệ, lượng thực phẩm và hàng tết chuyển lên đảo Phan Vinh để anh em đón tết luôn có những mặt hàng quen thuộc, như: heo, gà, măng, miến, ống giang chẻ lạt và những tập lá dong dùng để gói bánh chưng…

Hôm ấy, khách đông nên bộ phận nhà bếp của đảo Phan Vinh bỗng trở nên bận rộn. Chỗ này mổ heo, chỗ kia huy động anh em “biểu diễn” tiết mục gói bánh chưng. Những chiếc bánh chưng xinh xắn được gói từ chiếc khuôn làm bằng lá dừa và lá bàng vuông thay cho lá dong. Tôi hỏi nhỏ cánh lính cựu: “Gói bằng lá bàng vuông, chắc bánh ăn sẽ bị chát?”. Họ cười và bảo: “Không hẳn là vị chát đâu, hương vị Trường Sa đấy!”.

a1-8471.jpeg
Lính đảo Phan Vinh bảo quản lá dong từ hàng chục ngày trước tết

Tôi vào bếp ngó tập lá dong từng lăn lóc cả tuần trên tàu xem bây giờ “hình thể” ra sao, thì ra lính đảo đã nhanh tay đưa vào bảo quản. Xem ra cũng khá kỳ công. Để lá tươi lâu thì không được rửa mà chỉ dùng giẻ ẩm lau sạch, sau đó xếp chồng lên nhau khoảng 5-6 lá, buộc vào một chiếc ống nhựa hình tròn.

Làm như vậy để lá giảm dần lượng nước, bởi nếu lá khô ngay sẽ dẫn tới nhanh hỏng. Với cách bảo quản ấy, lá dong có thể để được hơn một tháng, vừa vặn thời gian đón tết của anh em lính đảo. Ống giang cũng được chẻ lạt, đem phơi khô, sau đó lạt được luộc bằng nước sôi để dùng cho mềm.

a2-1-7188.jpg
Lính đảo “trổ tài” gói bánh chưng bằng lá bàng vuông

Phan Vinh là đảo nổi nên việc chăn nuôi cũng có phần thuận lợi, lính đảo nuôi được cả heo, ngan, gà, lại có cả vịt đẻ... “Khó nhất vẫn là việc duy trì vườn rau phải không anh?”, tôi đặt câu hỏi này với Trung tá Lê Quang Mừng, khi ấy là Chính trị viên đảo Phan Vinh.

Anh cho biết: “Bao giờ chúng tôi cũng thiếu rau vào những tháng biển động, lúc đó chỉ dám bứt vài ngọn làm món canh “toàn quốc” ăn cho đỡ xót ruột”. Tại Phan Vinh cũng như phần lớn các đảo ở Trường Sa, vào những ngày biển động, nhất là dịp cuối năm, những vạt rau hiếm hoi luôn được che chắn cẩn thận, rồi những khay nhựa gieo các loại rau vừa mới nhú mầm cũng được lính ta cơ động mang vào phòng ở.

Tôi được các chiến sĩ nhiệt tình dẫn đi khắp đảo để kể tên các loại cây, cả về “công dụng” của chúng. Đến bữa, trên mâm cơm đãi khách, thấy những búp bàng vuông, những lá tra mơn mởn được bứt ra, đặt lên đĩa thay cho món rau, ai nấy đều tò mò, đưa lên miệng, “thực khách” thấy cả vị chát lẫn vị muối mặn mòi của biển.

Hôm sau, mấy anh em phóng viên được mời tới dùng bữa với chiến sĩ Phân đội 3. Trên mâm cơm, thấy có đủ canh măng, thịt heo, nem rán, cánh lính trẻ còn tỉa tót bày lên đĩa những nụ bàng vuông để nhấm nháp cùng thịt luộc. Hóa ra, lính đảo vừa khéo tay, lại vừa lãng mạn chẳng kém phái đẹp trong mỗi lần vào bếp.

Chúng tôi chia tay cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh và trở về đất liền. Xa đảo, bỗng thấy nhớ những đợt sóng cồn lên trong những ngày biển động, nhớ những món ăn đãi khách đất liền được làm ra từ bàn tay lính đảo, rồi những trái bàng vuông, những vỏ ốc, vỏ sò còn mặn mòi vị biển.

a3-2-5840.jpg
Sắc mai vàng trên đảo Trường Sa

Lần đầu tiên cùng lính đảo đón Tết giữa trùng khơi, chúng tôi nhận thấy lính đảo có một sự thiệt thòi không thể đong đếm. Đó là sự đoàn viên, sum vầy, một thứ tưởng chừng đơn giản với nhiều người, nhưng trong ngày tết, với họ, đó là một sự “xa xỉ”. Ở đất liền, người thân của các anh cũng chung sự thiệt thòi, đó là sự quạnh vắng quanh mâm cơm ngày tết.

Tôi chợt liên tưởng tới những câu thơ viết về vợ lính được nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trải lòng trong bài thơ “Những người lính đi qua thành phố”: “Nếu em là vợ lính, dẫu thời bình/ Hãy xem bài cho con sau mỗi lần tan học/ Con khó bảo đừng một mình ngồi khóc/ Đừng đợi anh xách nước thổi cơm chiều…”.

Với những người vợ lính, dù thời chiến hay thời bình, họ luôn phải gánh chịu sự thiệt thòi và phần nào chấp nhận hy sinh cả những thứ tưởng như rất đỗi bình thường, dung dị như có một tổ ấm gia đình với sự sum họp đông đủ vợ chồng, con cái sau mỗi ngày làm việc. Và, thời nào cũng vậy, luôn rất cần những “hậu phương” vững chắc biết gạt bỏ những nỗi niềm quạnh vắng không dễ sẻ chia, để người lính phương xa yên tâm công tác, vững tay súng bảo vệ quê hương, đất nước.

MINH TUỆ

Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội

Tin cùng chuyên mục