Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và hàng chục nước khác, gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Hà Lan, Na Uy, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Anh… đã chỉ trích lệnh cấm hoàn toàn việc giáo dục cho nữ giới tại quốc gia Tây Nam Á này, đồng thời khẳng định sẽ chỉ công nhận chính quyền của Taliban nếu họ tôn trọng các quyền của phụ nữ và trẻ em gái.
Trên trang Twitter, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell đã viết: EU kịch liệt lên án quyết định của Taliban cấm phụ nữ Afghanistan tiếp cận với giáo dục bậc đại học. Một động thái chưa từng có trên thế giới - vi phạm quyền và nguyện vọng của nhân dân Afghanistan và tước đi những đóng góp của phụ nữ Afghanistan cho xã hội. Đây là một “tội ác chống lại loài người”…
Trong tuyên bố chung do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố, có đoạn: “Các biện pháp áp bức của Taliban đối với trẻ em gái và phụ nữ Afghanistan đang không ngừng diễn ra một cách có hệ thống”. Đây thật sự là một trong những đòn mạnh nhất đối với quyền tự do của phụ nữ kể từ khi Taliban tái nắm quyền tại quốc gia Tây Nam Á này vào tháng 8-2021. Dù cam kết áp dụng các quy định Hồi giáo mềm dẻo hơn so với giai đoạn cầm quyền đầu tiên 1996-2001, nhưng Taliban đã từng bước đưa ra các biện pháp hạn chế đời sống xã hội, nhất là đối với phụ nữ.
Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres đã tuyên bố “hết sức quan ngại” trước lệnh cấm phụ nữ tiếp cận giáo dục đại học của Taliban, đồng thời kêu gọi các nhà chức trách ở Afghanistan “đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng ở tất cả các cấp”. Trước đó, ngày 20-12, đại diện đặc biệt của Liên hiệp quốc tại Afghanistan đồng thời là Trưởng phái bộ Liên hiệp quốc tại Afghanistan (UNAMA), bà Roza Otunbayeva, nhận định, Liên hiệp quốc không đồng quan điểm với Taliban về nhiều vấn đề, song trọng tâm và điều nên làm là duy trì đối thoại vì một tương lai tốt đẹp hơn cho Afghanistan, nơi mọi người, từ phụ nữ, nam giới, trẻ em trai và gái... cần phải sống cuộc sống bình đẳng và được coi trọng nhân phẩm.