Thời gian gần đây, xuất hiện thông tin một số tài xế sau khi chở hàng hoá, nông sản từ Lâm Đồng đến TPHCM khi quay về tỉnh Lâm Đồng phải đi cách ly tập trung 21 ngày. Tuy nhiên, qua trao đổi với đại diện nhiều nhà xe chở nông sản, nhu yếu phẩm cần thiết hàng hoá vẫn lưu thông ổn định.
Anh Nguyễn Văn Tánh (nhà xe Tánh Hậu) cho biết: “Gia đình tôi có 5 đầu xe (5 xe tải) đăng ký trên Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng để chở nông sản đi TPHCM. Mỗi xe sau khi đăng ký đều được cấp mã QR riêng để thuận tiện cho việc lưu thông hàng ngày. Hiện một số chợ đầu mối đóng cửa nên mỗi ngày nhà xe duy trì chạy 1 – 2 xe đi TPHCM”.
Ngày 10-7, ông Nguyễn Văn Gia, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn đang áp dụng thực hiện các quy định về phòng, chống dịch trong hoạt động vận tải hàng hóa được ban hành tại Văn bản Số: 967 /SGTVT-VT PT&NL (ngày 5-7-2021).
Trong đó, Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh, các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa trước khi vận chuyển hàng hóa từ vùng dịch về, các đơn vị kinh doanh vận tải phải gửi phương án vận chuyển hàng hóa với nội dung: số lượng phương tiện, hành trình, dự kiến điểm dừng nghỉ, ngày giờ phương tiện hoạt động.
Các lái xe vận chuyển hàng hóa phải mang theo Giấy vận chuyển và các chứng từ liên quan đến hàng hóa vận chuyển; cập nhật lịch trình vận chuyển, điểm dừng nghỉ, xếp dỡ hàng hóa và nhật ký tiếp xúc theo mẫu tờ khai đính kèm.
Nhân viên tại chốt kiểm soát dịch bệnh sẽ không giải quyết cho xe vào tỉnh Lâm Đồng nếu không có đầy đủ giấy tờ nêu trên và nếu phát hiện tài xế khai báo không trung thực; Tờ khai của tài xế, phụ xe sẽ được gửi về nơi tài xế, phụ xe lưu trú để theo dõi, giám sát; nếu phát hiện việc khai báo không trung thực sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, ngành chức năng cũng nghiêm cấm các xe vận tải hàng hóa chở khách; trên mỗi xe vận chuyển hàng hóa vào Lâm Đồng chỉ có tối đa 2 người (lái xe và phụ xe).
Bên cạnh đó, phải có danh sách phương tiện, tài xế, người bốc xếp dỡ hàng hóa theo xe (nếu có); các điểm/khu vực bốc xếp dỡ hàng hóa (ở nơi đi và nơi đến); nơi lưu trú, nghỉ ngơi của tài xế; thông tin về xét nghiệm và tiêm phòng cho tài xe, người bốc xếp dỡ hàng hóa (nếu có);... đến Email, Zalo hoặc đường dây nóng... của Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng.
Các đơn vị vận tải hàng hóa phải bố trí nơi ăn, nghỉ lưu trú tập trung cho tài xế khi vận chuyển hàng hóa từ vùng dịch về địa bàn Lâm Đồng và phải thông báo với chính quyền địa phương để theo dõi, giám sát và giúp đỡ nếu cần.
Mặc dù đã được test nhanh Covid-19 âm tính nhưng tài xế đi về từ vùng dịch hoặc đi qua vùng dịch cũng cần hạn chế tối đa việc đi lại, tiếp xúc với người xung quanh, để hạn chế sự lây nhiễm cho cộng đồng nếu lỡ có mang mầm bệnh trong cơ thể. Vì vậy các đơn vị phải có biện pháp quản lý giám sát tài xế và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu tài xế làm lây lan dịch bệnh.
Còn theo đại diện chốt kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19 số 1 tại đèo Chuối (cửa ngõ phía Nam vào Lâm Đồng), mỗi ngày có hơn 1.000 xe tải, lưu thông từ các tỉnh, thành phía Nam vào địa bàn Lâm Đồng theo Quốc lộ 20, số lượng xe gia đình từ 100 – 150 xe/ngày.
Chỉ đạo mới đây của UBND tỉnh Lâm Đồng, nêu rõ: Từ 7 giờ ngày 7-7-2021, tất cả các trường hợp về từ vùng phong tỏa, vùng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg chỉ được vào địa bàn tỉnh khi có xét nghiệm Covid-19 âm tính; đồng thời, phải thực hiện cách ly 21 ngày tại các cơ sở lưu trú có trả phí (kể cả phí xét nghiệm SARS-CoV-2), trừ tài xế vận chuyển hàng hóa thực hiện theo hướng dẫn của Sở GTVT.