Trước đó, các chợ truyền thống như Bến Thành (quận 1), Bình Tây (quận 6), cũng thông tin về việc sẽ mở các lớp tập huấn đón khách cho tiểu thương… Đây thực sự là những tín hiệu vui, cho thấy sự nỗ lực của ngành du lịch TPHCM trong việc nâng chất dịch vụ, tiếp đón khách hàng.
Sở Du lịch TPHCM cho hay, mỗi năm các đơn vị sẽ phối hợp tổ chức 10-12 lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch. Theo ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, đội ngũ tài xế chính là những “đại sứ du lịch”, cùng với ngành du lịch lan tỏa và tạo dựng hình ảnh đẹp về văn hóa, ẩm thực, con người đến với du khách. Chính vì vậy, ngành du lịch mong muốn góp phần tạo lập môi trường văn hóa ứng xử văn minh, cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo an ninh du lịch trên địa bàn thành phố; quảng bá hình ảnh TPHCM văn minh, thân thiện, nghĩa tình.
Sở Công thương TPHCM cũng cho biết đã có kế hoạch phối hợp cùng Sở Du lịch mở lớp tập huấn bán hàng cho các tiểu thương tại chợ truyền thống, từng bước hướng đến việc kinh doanh an toàn, “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Đối với chợ Bình Tây, điểm đến quen thuộc của du khách trong và ngoài nước, sức hút không chỉ là công trình kiến trúc đặc trưng mà theo bà Nguyễn Ngọc Quế Phương, Trưởng ban Quản lý chợ Bình Tây, tiểu thương nơi đây còn có các sản phẩm quà tặng lưu niệm như túi vải thời trang, bộ tách trà, ly thủy tinh có in hình hoặc khắc họa chợ Bình Tây rất độc đáo. Tuy nhiên, để kết nối chợ với các điểm đến du lịch khác của TPHCM, tiểu thương cần kinh doanh và đón khách một cách chuyên nghiệp. “Chúng tôi sẽ mở các lớp tập huấn miễn phí về nghiệp vụ đón khách; các khóa tiếng Anh cơ bản cho tiểu thương”, bà Quế Phương cho hay.
Muốn du lịch phát triển phải có sự đồng lòng, chỉn chu từng chút một. Trên hết, yếu tố con người vô cùng quan trọng. Các chuyên gia cho rằng, khách luôn ấn tượng bởi lòng hiếu khách, thái độ phục vụ chu đáo, những thứ này không phải sẵn có và đều do rèn luyện mà thành.