Tài xế Trần Văn Hùng, vận chuyển gạch men cho một doanh nghiệp, phản ứng quyết liệt bằng cách dừng xe tải ngay chỗ trạm thu phí và bỏ xuống xe, không chịu mua vé qua trạm.
“Kho hàng của chúng tôi đóng cách trạm thu phí này chỉ khoảng 100m và mấy tháng nay tôi đã nộp đơn xin giảm giá vé nhưng họ không giải quyết. Mỗi ngày tôi chở hàng đi giao cho khách hoặc nhập hàng về kho đều phải qua trạm này, tốn 180.000 đồng/chuyến; đi 2 chuyến đã mất 360.000 đồng, phí như vậy quá cao nên không chịu được”, tài xế Hùng phản ứng.
Do chiếc xe tải to đùng nằm án ngay làn thu phí đã khiến rất nhiều xe phía sau từ hướng Cần Thơ đi Sóc Trăng, Bạc Liêu… ùn ứ kéo dài.
Trước tình hình trên, các ngành chức năng đã mời tài xế vào trao đổi và một lát sau tài xế này mới chịu lái xe tải về kho hàng của doanh nghiệp cách trạm thu phí khoảng 100m.
Ở hướng từ Phụng Hiệp (Hậu Giang) lên Cần Thơ, một tài xế chạy xe 16 chỗ BKS 67 B- 01... dừng lại ngay trạm và sử dụng tiền lẻ để mua vé, gây mất thời gian, dẫn tới ùn ứ xe phía sau.
Còn ở làn xe cạnh bên, tài xế xe BKS 83A- 03... dừng xe và tắt máy ngay tại trạm bởi nhất định không chịu mua vé. Tài xế này cho rằng, nhà ở phía sau trạm thu phí BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp, do công việc nên mỗi ngày phải lái xe ô tô 7 chỗ, chạy qua chạy lại cả chục lần (dù đi chỉ vài trăm mét, nhưng phải qua trạm). Như vậy, tốn tiền vé cả trăm ngàn đồng, bất hợp lý quá.
Do đó, anh đề nghị miễn vé, nhưng không ai giải quyết… Do tài xế không chịu đi, nên nhiều xe phía sau ùn ứ, buộc lực lượng chức năng phải phân luồng chuyển các xe đi sang làn khác nhằm giảm bớt tắc xe kéo dài…
Ông Trần Văn Dũng, chủ một doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng ở phường Ba Láng, quận Cái Răng, bức xúc: “Trước đây tôi có 15 xe tải chuyên chở vật liệu xây dựng trên địa bàn Cần Thơ và Hậu Giang (nhiều nhất là ở quận Cái Răng và Châu Thành A, xung quanh trạm thu phí). Từ khi trạm thu phí BOT này đi vào hoạt động khiến việc đi lại trở ngại, giao hàng chậm… buộc tôi phải mua thêm xe lên tổng cộng là 29 chiếc, rồi thuê thêm tài xế… Tính ra tiêu tốn hơn 1 tỷ đồng mỗi năm từ tiền thu phí và các khoản khác. Do doanh nghiệp tôi nằm kế bên trạm thu phí này, do đó tôi đề nghị họ xem xét giảm giá vé 70% (chỉ thu 30%), nhưng họ không đồng ý…”.
Ông Trần Văn Bình, quản lý đội xe của một công ty tại KCN Tân Phú Thạnh, tỉnh Hậu Giang, cho rằng: “Hiện nay, những hộ có xe 4 bánh, xe tải… xung quanh trạm thu phí chỉ được giảm giá vé có 30-35% là quá thấp.
Chúng tôi kiến nghị cần nghiên cứu giảm nhiều hơn, nhằm giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh… đang hoạt động xung quanh trạm. Điển hình như công ty của tôi có 27 đầu xe tải vận chuyển cá tra, nhưng mỗi tháng phải tốn gần 100 triệu đồng tiền mua vé là “nặng” quá”.
Trao đổi nhanh với phóng viên Báo SGGP, ông Lư Thành Đồng, Giám đốc Sở GT-VT TP Cần Thơ cho biết, tình hình ùn ứ giao thông tại trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp, do tài xế phản ứng khiến các ngành chức năng rất đau đầu. Ngay trong sáng 5-1, Sở GTVT đã có báo cáo với lãnh đạo UBND TP Cần Thơ về một số phương án xử lý; đồng thời tạm dừng một số cuộc họp và cử lãnh đạo Sở GTVT trực tiếp xuống hiện trường nắm tình hình, trao đổi với người dân, tài xế, chủ đầu tư… tìm hướng để tham mưu cấp trên xử lý ổn thỏa.
UBND TP Cần Thơ đã chỉ đạo Sở GT-VT, Công an TP Cần Thơ… phối hợp xử lý các vấn đề tại trạm thu phí; đồng thời mời Bộ GT-VT, Tổng cục Đường bộ, chủ đầu tư… làm việc, tìm tiếng nói chung và hướng giải quyết ở trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp.