Theo Toà án Nhân dân tối cao, sự gia tăng này là tất yếu, tỷ lệ thuận với tăng dân số và quy mô nền kinh tế. Trong 3 năm gần đây, các vụ việc dân sự, hành chính được tòa án các cấp thụ lý là: năm 2016 thụ lý 360.456 vụ việc; năm 2017 thụ lý 403.468 vụ việc; năm 2018 thụ lý 458.728 vụ việc. Như vậy, tỷ lệ gia tăng trung bình hàng năm là 9% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, biên chế không thay đổi. Chính vì thế có những địa bàn (như TPHCM, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu...), mỗi thẩm phán phải giải quyết số lượng vụ việc gấp 4 lần số lượng định biên, dẫn đến tồn đọng, chậm trễ.
“Tình hình đó bắt buộc phải có những giải pháp căn cơ thúc đẩy nhanh và hiệu quả việc giải quyết đơn của nhân dân, giảm áp lực cho tòa án. Hòa giải, đối thoại tại tòa án là một chế định ưu việt đáp ứng được đòi hỏi trước nhất của tình hình và lâu dài của tiến trình cải cách tư pháp”, Tờ trình nêu rõ.
Trên cơ sở các quy định của pháp luật, nhiều năm qua hoạt động hòa giải, đối thoại trong tố tụng, ngoài tố tụng đã thu được kết quả đáng kể. Theo thống kê của Tòa án Nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan, tỷ lệ hòa giải thành, đối thoại thành trong giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính của các tòa án tăng dần qua từng năm. Năm 2016, các tòa án đã hòa giải thành 157.916 vụ, đạt tỷ lệ 50% trên tổng số các vụ việc dân sự đã giải quyết; năm 2017 là 173.958 vụ, đạt tỷ lệ 50,6%; năm 2018 là 184.143 vụ, đạt tỷ lệ 53,2%. Số lượng các vụ đối thoại thành năm 2018 là 351 vụ/4479 vụ đã thụ lý, đạt tỷ lệ 7,84%.
Bên cạnh đó, hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng đạt 80,06%. Kết quả này có ý nghĩa lớn trong việc giải quyết các xung đột trong nhân dân; chấm dứt quá trình tố tụng, tiết kiệm thời gian, kinh phí của đương sự và Nhà nước; xây dựng tình làng nghĩa xóm hòa thuận, góp phần bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở.
Tuy vậy, thực tiễn vẫn còn những hạn chế của các phương thức hòa giải, đối thoại hiện hành, do đó cần có dự án Luật này để xử lý.
Góp ý về dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, công tác hòa giải dù trong tố tụng hay ngoài tố tụng cần phải được đối xử bình đẳng. Thủ tục công nhận kết quả hoà giải thành cần được áp dụng thống nhất cho cả hai hình thức hoà giải theo xu hướng đơn giản, tạo thuận tiện cho các bên. “Phân biệt đối xử như thế này thì mọi người sẽ đều nộp đơn xin hoà giải đến toà (để được công nhận kết quả hoà giải một cách dễ dàng, nhanh chóng), thế thì mục tiêu chia sẻ gánh nặng cho toà không đạt được".
Một số quy định khác trong dự thảo Luật cũng được Thứ trưởng Phan Chí Hiếu coi là chưa hợp lý, chẳng hạn như cơ sở để thực hiện hòa giải tại toà là đương sự tự nguyện, thế nhưng họ lại không được chọn hoà giải viên mà phải theo sự phân công của tòa. Rồi thẩm phán đã tham gia hòa giải thì không được phân công thụ lý giải quyết vụ việc nữa (nếu hòa giải không thành), trong khi số lượng thẩm phán ở các tòa án cấp huyện vốn đã không đủ… “Không khéo chúng ta muốn giải quyết án nhanh lại thành ra chậm hơn”, ông Phan Chí Hiếu nói.