Tìm đến những cung đường đẹp
Chị Mai Ngọc Thy, du khách TPHCM đang tham quan tại khu vực Tây Bắc chia sẻ: “Lộ trình của chúng tôi đều được hãng lữ hành khảo sát kỹ càng, chọn các điểm đến an toàn và cung đường đẹp nhất để khách trải nghiệm”. Còn chị Mai Phương, Việt kiều Mỹ đang tham quan tại Sapa (Lào Cai), cho hay, chị ấn tượng mạnh với nỗ lực phục hồi nhanh chóng và sự hiếu khách, lạc quan của người dân. Đến Sa Pa du lịch cũng là một cách tốt để ủng hộ người dân nơi đây sớm trở lại cuộc sống thường nhật.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, cho biết, đơn vị đã lần lượt đưa những đoàn khách tham quan các tỉnh thành phía Bắc; trong đó tập trung vào Hà Nội và một số tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng… Ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Lữ hành Vietluxtour cũng chia sẻ: Doanh nghiệp sẽ bắt đầu đón các đoàn khách quốc tế đến tham quan vào tháng 11 này. Hiện tại, doanh nghiệp vẫn phối hợp các đối tác để cập nhật thông tin về dịch vụ liên tục. Theo ông Dũng, hiện chuỗi cung ứng ở một số tỉnh thành phía Bắc đang gặp khó khăn ở khâu sản phẩm do bị ảnh hưởng đợt bão, lũ vừa qua. Việc phục hồi các khâu cung ứng này sẽ cần thời gian để khôi phục các dịch vụ, đáp ứng điều kiện phục vụ du khách tốt và an toàn như trước đây.
Tương tự, thông tin cập nhật mới nhất từ Công ty CP Truyền thông du lịch Việt, các tour khởi hành từ TPHCM đến các tỉnh khu vực Đông Bắc, Tây Bắc vẫn được tổ chức đều đặn. Ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc Truyền thông Công ty CP Truyền thông du lịch Việt, chia sẻ, nhờ sự hỗ trợ từ các địa phương nên giá tour ổn định, chất lượng dịch vụ đảm bảo nhằm kích cầu du lịch sau bão, lũ.
Ghi nhận tại các tỉnh phía Bắc, gần nửa tháng sau bão số 3, nhiều địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh…, đã nhanh chóng dọn dẹp đường phố, thu gom cây đổ, rác thải, khôi phục cảnh quan đã bắt đầu hoạt động từng phần. Một số trung tâm du lịch ở miền núi phía Bắc như Sa Pa (Lào Cai), Hà Giang đã đón khách trở lại dù đường sá vẫn còn khó khăn do hậu quả sạt lở đất và mưa, lũ. Các tuyến đường chính đến Sa Pa được dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt. Ngay trong ngày đầu tiên mở cửa trở lại, hàng trăm du khách trong nước và quốc tế đã đến tham quan và trải nghiệm bản Mây và quần thể tâm linh, cột cờ Fansipan. Các điểm đến khác như Thác Bạc, Vườn đá Tả Phìn, Thung lũng xanh, Vườn hồng mộng mơ, Suối vàng - Thác tình yêu, Hàm Rồng… lần lượt mở cửa đón khách.
Sẵn sàng cho mùa du lịch cuối năm
Từ tháng 10 trở đi sẽ bắt đầu mùa cao điểm đón khách quốc tế. Các địa phương đang tất bật dọn dẹp cây đổ, tôn tạo cảnh quan, xử lý ngập lụt… để chào đón khách. Tại Quảng Ninh, các lực lượng chức năng đang gia cố các công trình hư hỏng. Nhiều điểm du lịch, bến tàu và khu vực ven biển cũng được làm sạch nhanh chóng. Các khu nghỉ dưỡng nổi tiếng như Oakwood Hạ Long và Yoko Onsen Quang Hanh đã hoàn tất sửa chữa, phục hồi chất lượng dịch vụ và cảnh quan, sẵn sàng đón khách trong tháng 9. Ngoài ra, cảng tàu khách quốc tế Hạ Long và cảng hàng không quốc tế Vân Đồn cũng mở cửa vận hành trở lại. “Đến thời điểm hiện tại, gần như toàn bộ cảnh quan cây xanh đã được khôi phục và sẵn sàng đón khách”, ông Trần Văn Minh, Giám đốc Sun World Hạ Long chia sẻ.
Ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Phát triển du lịch châu Á, cho rằng, để nhanh chóng phục hồi du lịch tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề sau bão, ngành du lịch cần hợp tác chặt chẽ với Chính phủ, các tổ chức địa phương và doanh nghiệp thiết lập kế hoạch phục hồi, xây dựng các chương trình du lịch hấp dẫn, nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn cho du khách
Theo Ban Quản lý Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), đơn vị đã thu gom hàng chục bè tre, hàng trăm khối rác thải đủ loại từ cành, lá cây, phao xốp, rác sinh hoạt… do các lồng bè nuôi biển thuộc huyện Vân Đồn, Cẩm Phả, Hạ Long, Quảng Yên bị bão tàn phá. Hiện công việc này đang được tiếp tục bằng phương pháp thủ công. Đối với đảo Cát Bà (Hải Phòng), cơn bão quét qua khiến nơi đây trở nên tan hoang. Nhiều cơ sở lưu trú lớn vẫn chưa kịp sửa chữa, phục hồi. Một số cơ sở lưu trú trên đảo Cát Bà thông báo mở cửa trở lại từ ngày 17-9 nhưng vẫn còn ngổn ngang. Việc sửa chữa cũng gặp khó khăn do chi phí nhân công, nguyên liệu tăng, thợ sửa chữa rất thiếu dù đã được thuê thêm từ đất liền. Nhiều điểm lưu trú khách trong tháng 9 đã hủy đặt phòng, tháng 10 mới có lác đác vài khách lẻ. Tuy nhiên, việc cho chạy lại tuyến cáp treo Cát Hải - Phù Long cũng được coi là một tín hiệu phục hồi tích cực.