Tái thiết lương thực - thực phẩm sau bão

Không chỉ mất mát về người, tại các địa phương, khu vực bão và lũ đi qua, sản xuất nông nghiệp đang bị tổn thương nghiêm trọng, cần sớm có giải pháp phục hồi để đảm bảo tái thiết nguồn lương thực - thực phẩm.

Gà vịt tan tác, trái cây rơi rụng

Từ sau cơn bão số 3 (Yagi) đến nay, theo ghi nhận của PV Báo SGGP, từ Quảng Ninh - Hải Phòng, Thái Bình - Nam Định đến Hải Dương - Hưng Yên đến Bắc Ninh - Bắc Giang và cả Hà Nội, đâu cũng gặp những vạt chuối bị bão đánh gãy ngang thân, gập xuống héo nát. Tại các vườn bưởi ở ngoại thành Hà Nội, sáng 17-9, trái vẫn rụng la liệt trên mặt đất, nông dân chưa kịp dọn hết.

IMG_3552.jpeg
Bưởi rụng la liệt ở các vườn trại thuộc huyện Hoài Đức, TP Hà Nội ngày 17-9. Ảnh: VĂN PHÚC

Nhiều cánh đồng và ao cá ở phía Bắc và Tây Hà Nội như Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ… vẫn đang ngập trắng nước sông Tích, sông Bùi.

IMG_3444.jpeg
Mênh mông sông Tích ở huyện Quốc Oai, TP Hà Nội. Ảnh: VĂN PHÚC

Ông Hoàng Ngọc Đoàn, một chủ trang trại gà tại Đông Anh (Hà Nội) đã mất trắng hơn 80.000 con gà chỉ sau một buổi sáng do mưa lũ tràn đê ngày 10-9. Lũ dâng quá nhanh khiến ông chỉ cứu được 9.000 con gà. Số còn lại đều chìm trong nước, thiệt hại ước tính lên tới 14 tỷ đồng. Ông Đoàn chia sẻ, gia đình hiện đang nợ ngân hàng 20 tỷ đồng và mong mỏi sự hỗ trợ từ chính quyền, ngân hàng để có thể tái sản xuất, duy trì công việc cho 15 lao động.

Theo báo cáo cập nhật từ Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, thiệt hại trong lĩnh vực nông nghiệp do bão số 3 gây ra đến nay là rất nghiêm trọng. Các số liệu mới nhất cho thấy diện tích bị ảnh hưởng và số lượng thiệt hại tăng đáng kể.

“Tính đến sáng 17-9, tổng diện tích lúa bị ngập úng lên đến 200.248ha, tăng 794ha so với báo cáo trước”, báo cáo của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai ghi nhận. Các vùng chịu thiệt hại nặng nề bao gồm Hải Phòng với 25.561ha, Hà Nội 36.679ha và Nam Định 18.102ha. Đặc biệt, vùng đồng bằng Bắc bộ như Bắc Giang, Thái Bình và Hải Dương cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ngoài lúa, khoảng 50.612ha hoa màu cũng bị ngập úng, tăng 74ha so với các báo cáo trước. Các tỉnh chịu thiệt hại đáng kể về hoa màu gồm Hà Nội 11.678ha, Nam Định 3.800ha và Hải Phòng 3.305ha. Những khu vực này hiện gặp khó khăn trong khôi phục sản xuất nông nghiệp.

Ngành cây ăn quả cũng không tránh khỏi thiệt hại, với 61.089ha bị hư hại, tăng 29.344ha so với các báo cáo trước. Hà Nội dẫn đầu với 32.413ha, tiếp theo là Bắc Giang và Hải Dương với các con số đáng kể khác.

IMG_3555.jpeg
Chuối đổ nát sau cơn bão ở tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: KHƯƠNG LỰC

Về nuôi trồng thủy sản, có 3.269 lồng bè bị hư hỏng hoặc cuốn trôi, chủ yếu tập trung ở Quảng Ninh (2.637 lồng bè) và Hải Dương (434 lồng bè). Số lượng gia súc và gia cầm bị chết cũng gia tăng đáng kể, với 26.584 con gia súc và 2.950.425 con gia cầm bị thiệt hại. Trong đó, Hải Phòng và Hải Dương là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất với số lượng gia súc và gia cầm chết cao nhất.

Hỗ trợ và tái thiết

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, ước tính thiệt hại trong ngành thủy sản hiện khoảng 2.500 tỷ đồng và trong ngành chăn nuôi khoảng 2.000 tỷ đồng. Đây chính là tài sản và thành quả của người nông dân đã đầu tư hoặc tích lũy sau nhiều năm vất vả. Tuy nhiên, thiên tai và bão lũ ập đến trong chốc lát đã cuốn đi tất cả, nhiều người gần như mất trắng.

Thứ trưởng cho biết, để nhanh chóng khôi phục sản xuất, Bộ NN-PTNT đã đề xuất Chính phủ ban hành nghị quyết chuyên đề về hỗ trợ phục hồi sản xuất sau bão số 3. Theo ông, với kinh nghiệm từ các đợt thiên tai trước đây, việc áp dụng Nghị định số 02/2017/NĐ-CP sẽ không còn phù hợp với tình hình hiện tại. Do đó, việc ban hành một nghị quyết mới là rất cần thiết để đạt được mục tiêu phục hồi sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng thông tin, Bộ NN-PTNT sẽ đề xuất Chính phủ xem xét các biện pháp khoanh nợ, giãn nợ và thực hiện quyền lợi bảo hiểm cho các chủ trang trại chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Nhiều hộ gia đình đã phải vay vốn lớn để đầu tư vào chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, thiệt hại vừa qua đã khiến một số hộ mất hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng. Để hỗ trợ người dân sớm phục hồi sản xuất, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp để cung cấp giải pháp kỹ thuật, con giống, vật tư sản xuất, thức ăn và thuốc thú y.

Ngay sau hội nghị do Thủ tướng chủ trì ngày 15-9, Bộ NN-PTNT đã tổ chức họp để triển khai các chỉ đạo. Bộ sẽ gửi kiến nghị đến Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước để chỉ đạo các ngân hàng thương mại đình hoãn, giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất và hỗ trợ tài chính nhằm sớm phục hồi sản xuất chăn nuôi và thủy sản.

Về mối lo ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm cuối năm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định rằng, thiệt hại sẽ có tác động đáng kể đến tốc độ tăng trưởng của các lĩnh vực này. Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất để đáp ứng nhu cầu thực phẩm vào dịp Tết Nguyên đán. Thứ trưởng cũng tin tưởng ngành nông nghiệp có thể phục hồi hoàn toàn trong thời gian tới nhờ chu kỳ sản xuất ngắn của các sản phẩm chăn nuôi như gà công nghiệp, gà lông màu...

“Trong chăn nuôi với gà công nghiệp chỉ cần hơn 1 tháng, gà lông màu trên 3 tháng; vịt ngan chỉ 45-50 ngày là có sản lượng. Từ nay đến tết, ngành nông nghiệp có thể hoàn toàn phục hồi được với chu kỳ sản xuất tùy theo đối tượng”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Tin cùng chuyên mục