Diễn đàn: Cha mẹ quyết định số con

Tái tạo con người - Tiền đề hàng đầu phát triển bền vững

“Các cuộc phỏng vấn ở TPHCM có kết quả rất thú vị, khi người lao động được hỏi muốn có bao nhiêu con, đa số trả lời là 2,1 con. Mong muốn là như thế, nhưng thực tế mức sinh trung bình của TPHCM chỉ đạt 1,32 con, do thu nhập không đủ chăm sóc gia đình”. GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Quốc hội khóa XIV, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, nêu đề xuất khi trao đổi với PV Báo SGGP về các giải pháp nâng cao mức sinh.

I4a.jpg
GS-TS Nguyễn Thiện Nhân

PHÓNG VIÊN: Thưa GS, Việt Nam đã vượt mốc dân số 100 triệu dân và ở trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” thì mức sinh của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước có xu hướng ngày càng giảm có phải là điều đáng quan tâm?

GS-TS NGUYỄN THIỆN NHÂN: Việt Nam là một nước đặc biệt về dân số. Từ năm 2002 đến năm 2020, Việt Nam có mức sinh bình quân là 2,08 con/phụ nữ, gần bằng mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con). Nhiều nước trên thế giới duy trì mức cao như thế chỉ trong vòng 2-3 năm hoặc 5 năm, nhưng Việt Nam giữ được mức sinh bình quân cao trong một thời gian dài, gần 20 năm.

Nhưng nước ta hiện có 22 tỉnh, thành phố (chiếm 44% dân số cả nước) có mức sinh thấp và tiếp tục theo xu hướng ngày càng giảm, do tốc độ đô thị hóa. Hiện nay, vùng Đông Nam bộ có thu nhập bình quân/người cao nhất cả nước, nhưng có mức sinh thấp nhất cả nước, bình quân 1,47 con/phụ nữ. Đặc biệt, ở đầu tàu kinh tế của cả nước là TPHCM có mức sinh liên tục giảm, từ 1,76 con/phụ nữ (năm 2000) chỉ còn 1,32 con/phụ nữ (năm 2023).

Việt Nam có những thành tựu về công tác dân số, giúp cơ cấu dân số của nước ta có lợi. Nhưng điều đó gây ra chủ quan, dẫn đến chậm điều chỉnh chính sách để duy trì mức sinh thay thế. Tổng tỷ suất sinh (TFR, thước đo phản ánh mức sinh - PV) ở 22 tỉnh, thành phố đang thấp, rất khó kéo lên. Nói một cách khái quát, nếu Việt Nam không đổi mới chính sách một cách quyết liệt để cải thiện thì dân số Việt Nam sẽ diễn biến theo biểu đồ đi xuống. Chúng tôi dự báo, nếu Việt Nam không thực hiện các chính sách quyết liệt thì đến năm 2050, dân số của Việt Nam đạt mức tối đa là 107 triệu người, rồi sau đó giảm dần. Đến năm 3000 chỉ còn khoảng 140.000 người.

Nước ta hiện có hơn 100 triệu dân, nhưng đến năm 3000 chỉ còn 140.000 người, đó có phải là dự báo quá bi quan không?

Dự báo đó căn cứ vào phương pháp khoa học, được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện. Tôi dẫn chứng, năm 2010, Nhật Bản có dân số đạt đỉnh, là 128 triệu dân rồi liên tục giảm và tốc độ già hóa dân số tăng. TFR của Nhật đã liên tục giảm từ 1,43 (năm 2017) xuống chạm đáy 1,2 (năm 2023). Trước thực tế đó, Nhật Bản dự báo đến năm 2100, dân số nước này còn 50 triệu dân, và đến năm 3000 chỉ còn… 62 người. Ở Hàn Quốc còn nghiêm trọng hơn, khi họ dự báo đến năm 2100 còn 20 triệu người (giảm hơn 61% so với năm 2020), và đến năm 2750 thì không còn người nào.

Có người đã ví von rất hay về Nhật Bản, đại ý: Nhật Bản có thời kỳ phát triển hoành tráng, rồi để lại một di sản mà không ai thừa kế. Lãnh đạo Nhật Bản phải nhìn nhận, khủng hoảng lớn nhất của Nhật Bản hiện nay là khủng hoảng dân số. Tương tự, Hàn Quốc có mức thu nhập cao, với quy mô kinh tế đứng thứ 14 thế giới (năm 2023) và hiện có 51,7 triệu dân, nhưng phải nhận xét, với các chính sách hiện hành, không có cách nào tăng dân số lên được. Ngày 19-6-2024 Tổng thống Yoon Suk-yeol đã tuyên bố “Tình trạng khẩn cấp quốc gia về nhân khẩu học”, với “Vấn đề cốt lõi nhất và nguy hiểm nhất là khủng hoảng nhân khẩu học do tỷ lệ sinh con thấp gây ra”.

Hiện nay, mức sinh của Việt Nam vẫn còn khá cao (1,96 con). Tuy nhiên, nếu chúng ta không mạnh mẽ điều chỉnh chính sách, để khuyến khích người dân tạo lập gia đình và sinh đủ con thì tương lai sẽ đối diện với các nguy cơ suy giảm dân số như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước phát triển khác.

I4b.jpg
Tình hình dân số và dự báo dân số của Việt Nam trong thời gian tới Nguồn: Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân

Đều là những nước có thu nhập cao và giai đoạn 2018-2020, Nhật Bản chi 20 tỷ USD/năm; giai đoạn 2026-2022, Hàn Quốc chi 200 tỷ USD cho cùng mục tiêu khuyến khích kết hôn và sinh con, nhưng vẫn thất bại. Điều gì dẫn đến kết quả đó?

Xu hướng không lập gia đình, không sinh con là câu chuyện của cả nhân loại. Từ những năm 1975, 1980, tất cả các nước EU có mức sinh không đủ TFR thay thế. Trên toàn thế giới, tất cả các nước phát triển (trừ Israel, mức sinh trên 2 con) đều có mức sinh thấp, chứ không phải cá biệt ở Hàn Quốc, Nhật Bản hay châu Âu. Ngay cả Trung Quốc (đông dân thứ 2 thế giới, sau Ấn Độ) cũng dự báo, sau 80 năm nữa sẽ giảm khoảng 45% dân số.

Đúc kết từ nhiều nước cho thấy, lý do đầu tiên không sinh con là do khi có con thì chi phí cuộc sống cao so với thu nhập, nhất là chi phí nhà ở, giáo dục, chăm sóc y tế. Chưa kể, phụ nữ có trình độ ngày càng tăng, lựa chọn đi làm việc thay vì ở nhà. Trong khi đó, nhà trẻ, mẫu giáo dễ tiếp cận với chi phí phù hợp bị thiếu, nên nhiều người không muốn sinh con. Đặc biệt, chính sách coi trọng phát triển kinh tế là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến mức sinh không đủ. Ví dụ, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước trong nhiều năm đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế là quan trọng nhất và không xem trọng gìn giữ gia đình - nơi sản sinh ra con người. Chính sách đều tập trung cho tăng trưởng kinh tế, ưu tiên cho doanh nghiệp, không ưu tiên cho gia đình, dẫn đến xu hướng càng giàu càng sinh ít. Ở Hàn Quốc, tiền lương tối thiểu thấp, chỉ đủ nuôi tốt 1 người (chính người đi làm), không nuôi đủ 0,5 người nữa. Tức là gia đình có 2 người đi làm vẫn sẽ không đủ nuôi 1 người con.

Việc giảm sinh con sẽ gây ra hậu quả gì, thưa GS?

Mức sinh thấp trong thời gian dài khiến nguồn cung lao động giảm, không đủ điều kiện phát triển kinh tế. Từ năm 2018 đến năm 2023, kinh tế của Hàn Quốc trì trệ vì thiếu lao động. Tình trạng này tiếp tục diễn ra, khi Hàn Quốc dự báo, đến năm 2050 quy mô kinh tế đất nước sụt giảm khoảng 35%.

Kinh tế trì trệ thì thu ngân sách thấp. Chính phủ sẽ không có đủ nguồn để chi hỗ trợ, khuyến khích các gia đình sinh con. Khi Chính phủ gặp khó khăn trong việc hỗ trợ người dân tăng mức sinh thì sẽ làm người dân mất niềm tin vào chính sách hỗ trợ khuyến sinh và chăm sóc con. Hệ quả tất yếu là người dân nhận thấy, kết hôn, sinh con là gánh nặng, thậm chí không cần thiết.

Như vậy, chính sách cần được chú trọng đến những vấn đề gì để đủ sức khuyến khích người dân sinh đủ con?

Tăng trưởng kinh tế là quan trọng. Song, đó không thể là mục tiêu cao nhất, vì đất nước phát triển phải tái tạo được con người. Tái tạo con người bền vững thì đất nước mới phát triển bền vững. Cho nên, mỗi một việc làm, một chính sách phải tính đến khuyến khích được người dân sinh con. Điều gì gây cản trở việc sinh con thì phải điều chỉnh.

Về mặt nhận thức, cần phải coi phát triển con người bền vững là mục tiêu hàng đầu. Chính người Hàn Quốc đã nhận xét, bài học của đất nước họ, về chủ trương tăng trưởng trước rồi tái phân phối thu nhập quốc gia là quan điểm sai lầm.

Cho nên, Chính phủ, doanh nghiệp và người dân phải thống nhất là tạo điều kiện để gia đình phát triển bền vững, tức tạo điều kiện để mỗi gia đình có ít nhất 2 con. Đây là trách nhiệm của ba phía. Cụ thể, doanh nghiệp phải trả cho người lao động “lương đủ sống” (không phải “lương tối thiểu”) để người lao động tái tạo sức lao động và mỗi gia đình có điều kiện nuôi được 2 con.

Về Chính phủ, phải xác định được mức “lương đủ sống”, có cập nhật hàng năm và công bố để doanh nghiệp thực hiện. Nhà nước cũng phải có chính sách đồng bộ về nhà ở (tác động kéo giá nhà xuống hoặc cho thuê lâu dài với giá phù hợp), mở rộng mạng lưới giáo dục, điều kiện tiếp cận y tế thuận lợi cho người dân. Người lao động còn phải được tạo điều kiện để nghỉ ngơi; được học cách làm cha làm mẹ tốt. Về phía người dân thì phải có “nghĩa vụ phải kết hôn và sinh đủ con” để đất nước trường tồn.

Cần áp dụng “lương đủ sống”

Ở các nước có khái niệm là “lương đủ sống”, như ở Mỹ (khái niệm này đã tồn tại hơn 100 năm), là lương mà 2 người đi làm thì nuôi được 2 con. Tuy nhiên, hầu như các nước chỉ áp dụng “lương tối thiểu” thay vì “lương đủ sống”. Điều đó dẫn đến nhiều nước có thu nhập bình quân đầu người cao, nhưng mức sinh vẫn rất thấp. Cũng vì thế, các nước phát triển (trừ Israel) đều sinh không đủ 2 con, vì lương 2 người đi làm không đủ nuôi 2 con, bất kể GDP/đầu người như thế nào.

Tin cùng chuyên mục