Sau nhiều năm chìm trong câm lặng vì chiến tranh và sự tàn bạo của khủng bố, cuối tháng 10 vừa qua, âm nhạc đã vang lên ở thành phố có bề dày về văn hóa và nghệ thuật này.
Theo Washington Post, dàn nhạc - sự pha trộn của các nghệ sĩ chuyên nghiệp đến từ Baghdad cũng như nhạc công nghiệp dư địa phương - đã thu hút đông đảo thính giả đến dự, đánh dấu sự tái sinh nghệ thuật trong một thành phố vẫn cố gắng tái thiết sau 3 năm bị Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm đóng và áp đặt các luật lệ hà khắc. Từ năm 2014 đến 2017, Mosul oằn mình dưới ách thống trị bạo tàn với nhiều hình thức trừng phạt khắc nghiệt, các cuộc hành quyết những người bị buộc tội gián điệp hoặc ngoại tình xảy ra như cơm bữa tại các nơi công cộng. Trong giai đoạn chiếm đóng Mosul, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã tàn phá nặng nề thành phố, không chỉ vật chất mà cả những giá trị văn hóa. Và âm nhạc cũng không phải ngoại lệ. Các nghệ sĩ từng phải ký một cam kết không bao giờ được biểu diễn nghệ thuật.
Đã hơn một năm sau khi Thủ tướng Haider al-Abadi tuyên bố Mosul được giải phóng, thành phố vẫn chìm trong đống đổ nát và phải vật lộn để tìm nguồn tài trợ tái thiết. Các nhà tổ chức buổi hòa nhạc hy vọng, có thể giúp xoa dịu phần nào những nỗi đau của người dân. Nhạc trưởng Karim Wasfi khẳng định: “Thành phố này nên có âm thanh của âm nhạc thay vì tiếng bom”. Karim Wasfi được biết đến với việc đưa âm nhạc đến những nơi tối tăm. Ông đã thu hút sự chú ý của quốc tế vào năm 2015 khi ông chơi cello một mình ngay tại hiện trường một vụ đánh bom tự sát. CNN dẫn lời ông mô tả lại khung cảnh sân khấu đặc biệt khi ấy: “Những con đường còn vương đầy mảnh vụn, những cảnh tượng hãi hùng, thậm chí cả mùi tang tóc”.
Trả lời phỏng vấn báo chí sau màn trình diễn đầy cảm xúc này, ông Wasfi cho biết: “Hiển nhiên là tôi không thể thách thức những quả bom bằng cây đàn cello của mình, nhưng khi cuộc sống trở nên bất thường và thậm chí quá điên rồ, chúng ta có nghĩa vụ phải làm cho sự sống trở nên mạnh mẽ, kiên cường hơn”. Ông cũng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với tờ Washington Post rằng: “Tôi mong cái đẹp chạm được đến mọi người ở ngay tại nơi mà họ vừa phải chứng kiến điều tàn bạo, xấu xa”. Kể từ đó, ông Wasfi quyết định bắt đầu chiến dịch Âm nhạc vì hòa bình.
“Chính phủ phụ thuộc vào sự hỗ trợ quốc tế để tái thiết Mosul”, Salih Elias - một nhà báo địa phương, người đã giúp tổ chức chương trình hòa nhạc, cho biết. “Một buổi hòa nhạc như thế này sẽ gửi thông điệp tích cực đến thế giới”. Asia Kamal, Phó Giám đốc Hiệp hội Nghệ sĩ Iraq, nhấn mạnh: “Chúng tôi phải thực hiện bằng được lễ hội âm nhạc này với thông điệp Mosul đã tái sinh”.