Ngày mai 1-1-2009 liệu Nga có khóa van khí đốt cung cấp cho Ukraine? Liệu hai bên có giải pháp cho vấn đề vào giờ cuối hay lại tái diễn kịch bản 2006 khi vào giữa mùa đông giá rét do bất đồng về giá cả và thanh toán nợ nên Nga đã cắt dòng khí cung cấp cho Ukraine, gây ảnh hưởng khí đốt cung cấp cho châu Âu? Hiện tại căng thẳng vẫn tiếp tục do phía Ukraine từ chối thanh toán nợ khí đốt đã được Nga cung cấp năm 2008, trong khi hợp đồng sẽ hết hạn vào đêm nay 31-12-2008.
Một hợp đồng mới sẽ không được ký kết nếu tập đoàn năng lượng Naftogaz của Ukraine không trả món nợ hơn 2 tỷ USD. Và như vậy Nga sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho người tiêu dùng Ukraine kể từ 1-1-2009. Nhưng Nga cam kết vẫn cung cấp đầy đủ khí đốt cho các nước châu Âu (hiện 80% khí đốt của Nga cung cấp cho châu Âu được trung chuyển qua lãnh thổ của Ukraine). Có điều Nga lo ngại Ukraine sẽ tháo van lấy trộm khí đốt như đã từng xảy ra ở cuộc khủng hoảng tương tự hồi năm 2006.
Tập đoàn Dầu khí Nga Gazprom gần đây đã đàm phán với Naftogaz yêu cầu trả nợ và ký hợp đồng mới, với giá khí lên tới 418 USD/1.000m3, bằng với giá khí đốt Nga bán cho châu Âu. Cho đến nay Ukraine được mua khí đốt của Nga với giá ưu đãi, chỉ 179 USD/1.000m3, thấp hơn giá trung bình của châu Âu nhiều.
Theo thỏa thuận giữa hai chính phủ hồi tháng 10-2008, giá khí đốt bán cho Ukraine sẽ bằng giá bán cho châu Âu nhưng tăng từng bước. Đồng thời phía Nga sẽ trả phí vận chuyển khí đốt ngang qua nước này. Tuy nhiên điều kiện để thực thi những điều khoản ghi nhớ này là phía Ukraine phải trả hết nợ khí đốt 2008.
Vì sao phía Ukraine không chịu trả nợ cho phía Nga trong khi họ được mua với giá thấp như vậy? Và lạ một điều là hiện thời, phía Ukraine cũng không đề xuất một phương án nào nhằm khắc phục mặc dù giới lãnh đạo Ukraine cũng đã có nhiều tiếp xúc với phía Nga để giải quyết căng thẳng.
Theo giới quan sát, Ukraine đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, cuộc sống người dân nhiều nơi bị ảnh hưởng, có nguy cơ bị cắt điện, giảm lượng cung cấp khí đốt.
Thế nhưng nước này đang lâm vào tình trạng bất ổn chính trị do xung đột giữa Tổng thống Viktor Yushchenco và Thủ tướng Timoshenko, và trong cuộc tranh giành quyền lực này không ai chịu để ai thu xếp vấn đề. Đó là vì người nào ký được hợp đồng với Nga về việc cung cấp khí đốt, người đó ắt sẽ chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Thêm nữa, tuy chưa trả tiền nợ, nhưng Ukraine đã cất vào các bể chứa của mình tới 30 tỷ mét khối khí đốt. Chừng đó đủ dùng cho từ 3 đến 3 tháng rưỡi, đủ cho họ tiếp tục cò cưa. Khủng hoảng khí đốt Nga và Ukraine, theo các nhà phân tích, ngoài kinh tế còn có yếu tố chính trị, bởi dù được Nga bán khí đốt giá rẻ nhưng Ukraine dưới sự lãnh đạo của tổng thống luôn ủng hộ phương Tây, chống Nga.
Chưa rõ cuộc khủng hoảng có sớm được giải quyết nhưng trước mắt các nước châu Âu đang căng thẳng theo dõi, lo bị vạ lây một khi Nga cắt nguồn khí đốt giữa mùa đông.
Lệ Thư