Thuộc thế hệ 9X, tốt nghiệp trường Đại học Ngoại thương, Hiền Trang bước vào làng văn bằng giải B giải thưởng Văn học Đoàn Thị Điểm cho tiểu thuyết Bức tranh cô gái khỏa thân và cây vĩ cầm đỏ. Tiếp đó, cô lần lượt nhận giải Ba và giải Tư Văn học tuổi 20 lần 6 và lần 7. Giữa những tiểu thuyết và truyện ngắn, Hiền Trang còn tham gia dịch thuật, mà những dịch phẩm toàn thuộc hàng “nặng ký”: Dưới bánh xe mặt trời (tác phẩm của nhà văn người Đức Hermann Hesse - chủ nhân của Giải Goethe và Giải Nobel Văn học năm 1946) và Shout! The Beatles: Hơi thở thời đại của thế kỷ 20 (sách tiểu sử về ban nhạc Anh lừng danh).
Và một dấu ấn đáng kể nữa của Hiền Trang là những bài tiểu luận và phê bình văn chương, điện ảnh, âm nhạc đầy bay bổng nhưng cho thấy một kiến văn thực sự sâu rộng và chắc chắn. Tại sao ta yêu… ra mắt gần đây càng thêm khẳng định cho điều này.
Nhà văn trẻ Hiền Trang |
Trong Tại sao ta yêu…, bằng sự suy tư, niềm rung cảm, bằng sự nâng niu của một người thưởng thức với tư duy đầy duy mỹ, Hiền Trang đã tạc nên những bức chân dung sống động và lôi cuốn. 16 bức chân dung được nhắc đến đều có một điểm chung, ấy là họ đã sống, đã yêu - hoặc đã chết - đều vì nghệ thuật. Hiển nhiên, họ là những nghệ sĩ lớn mà những tác phẩm họ cống hiến cho nhân loại đã tạo nên tầm vóc đó.
Họ đến từ nhiều lĩnh vực: từ văn học (Haruki Murakami, Oscar Wilde, Nabokov, Franz Kafka, Patrick Modiano), điện ảnh (Vương Gia Vệ, Woody Allen, Trương Quốc Vinh, Ozu) đến hội họa (Monet, Van Gogh) hay âm nhạc (Norah Jones, Chopin, The Beatles)… Bức chân dung nào cũng được Hiền Trang khắc họa với tất cả sự kính trọng, và đôi khi có cả sự biết ơn.
Tập tiểu luận "Tại sao ta yêu" là tác phẩm mới nhất của nữ nhà văn 9X |
Trên thế giới, hiếm có nhà văn nào lại tạo ra hai trạng thái, hai thái cực rõ rệt: yêu-ghét, thích-không thích, hàn lâm-đại chúng… như trường hợp của nhà văn người Nhật Haruki Murakami. Trong cuộc diễn giải lý do yêu Murakami - dù trên thế giới có 200 nhà văn hay hơn ông, Hiền Trang không “sùng bái” quá mức, không cực đoan quá mức để “bảo vệ” Murakami. Thậm chí, cô còn chỉ ra những-cái-không-được của Murakami như sự dài dòng của tác phẩm Giết chỉ huy đội kỵ sĩ hay Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới, hay sự không cần thiết của phân đoạn dài hơn trăm trang về cuộc chiến tại Mãn Châu trong tác phẩm Biên niên ký chim vặn dây cót… Ấy vậy mà cô vẫn yêu Haruki Murakami!
Thực ra, việc yêu thích một tác giả hay một tác phẩm nào đó, đôi khi đến từ một lý do rất chủ quan. Nhưng cái chủ quan của Hiền Trang trong tình yêu dành cho Haruki Murakami lại như đang nói thay cho rất nhiều người, nhất là những người trẻ đô thị. Theo chia sẻ của Hiền Trang, cô yêu Haruki Murakami sau lần thứ hai đọc Kafka bên bờ biển. Lần đầu tiên đọc nó khi cô nếm mùi đau khổ của cuộc đời - dù cho đến hôm nay cô không còn nhớ mình đã đau khổ vì việc gì, nhưng nhờ đọc Kafka bên bờ biển và Murakami đã nhấc cô “ra khỏi cơn đau khổ ấy”.
Tác phẩm "Chopin biến mất" là một trong ba tác phẩm nhận giải Tư của Văn học tuổi 20 lần 7 |
Và lần thứ hai cũng là một lần đau khổ khác, cô tìm tới Murakami như một liều thuốc, may mắn thay, “liều thuốc” mang tên Murakami vẫn chưa “nhờn” với cô. Mặc kệ những tranh cãi, thậm chí là hả hê khi Haruki Murakami “trượt” giải Nobel Văn học trong một thời gian dài, Hiền Trang nghiệm ra: “Những cuốn sách của Murakami chiếm hữu ta trong khoảng thời gian ta cầm nó lên, một thứ văn chương có tính “ma nhập”, khiến ta không thể làm gì khác hơn là đọc từ đầu chí cuối”.
Nhà văn Hiền Trang (thứ 2 từ trái qua) tại lễ trao giải Văn học tuổi 20 lần 7 |
Cuộc truy tìm lý do yêu dành cho những gương mặt còn lại của Hiền Trang, cũng đáng để người đọc gác lại những vướng bận, cùng phiêu du vào thế giới của cái đẹp. Dường như Hiền Trang viết Tại sao ta yêu… trước hết để thỏa mãn cho nhu cầu tỏ bày của mình trước những “tượng đài” nghệ thuật mà cô yêu mến, nhưng sự riêng tư ấy đã được xóa mờ để trở thành “lời chung” cho những ai yêu nghệ thuật, tôn sùng cái đẹp.
Điều thú vị ở chỗ, Tại sao ta yêu… vừa là câu trả lời về những lý do để yêu 16 chân dung được nhắc đến trong sách, vừa là câu trả lời cho chính tác giả. Bởi, trong một chừng mực nào đó, nếu có độc giả đọc Hiền Trang và mang một thắc mắc: cô đã “nạp” vào mình những gì, để tạo nên dấu ấn trong thời gian qua, thì cuốn sách trên chính là đáp án.