Dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 182 năm 2004 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi trình Chính phủ. Điểm mới trong bản dự thảo nghị định này được dư luận chú ý là quy định: nếu người dân không đi đăng ký quyền sử dụng đất (QSDĐ) thì sẽ bị phạt.
Quy định này được cơ quan hành chính cho là một biện pháp quản lý hiệu quả để bảo đảm yêu cầu đến năm 2010 cả nước sẽ hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Còn về phía người dân, chuyện về “giấy đỏ”, “giấy hồng” trong quản lý đất đai khi chưa được Nhà nước ban hành một cách thống nhất, thì nay lại rối tung lên chuyện xử phạt người dân về quyền và nghĩa vụ được sử dụng đất.
Tính đến thời điểm đầu tháng 3 năm nay, quận 12 mới cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho người dân được khoảng hơn 60%. Các huyện như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ, tỷ lệ này vào khoảng 50%. Nội thành, nơi cao nhất như quận 3, cũng chỉ đạt hơn 80%. Hầu hết các địa phương cho biết, có nhanh lắm cũng phải mất 2 đến 3 năm nữa thành phố mới hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ.
Vì sao có sự chậm trễ này?
Câu trả lời là do người dân không tự đi đăng ký QSDĐ, dù đó là quyền và nghĩa vụ được luật pháp quy định đối với người sử dụng đất. Ở nhiều nơi, người dân vẫn rất thờ ơ với việc làm “giấy đỏ” và cho rằng không cần có “giấy đỏ”, họ vẫn làm nhà ở và trồng trọt trên mảnh đất mà không ảnh hưởng gì.
Một nguyên nhân khác là thủ tục đăng ký “giấy đỏ” hiện quá rườm rà và nhiêu khê, dẫn đến người dân ngán ngẩm, không chủ động đăng ký QSDĐ. Vậy, quy định phạt có làm cho người dân “tự giác” đi đăng ký QSDĐ? Câu trả lời là “chưa chắc”, vì phạt không phải là biện pháp hành chính để quản lý đất đai.
Khi Nhà nước đưa ra QSDĐ là quyền và nghĩa vụ của người dân, thì việc tăng cường biện pháp quản lý phải được hướng đến mục đích lợi ích của người sử dụng đất. Nhà nước phải làm sao cho người dân thấy được quyền lợi thực sự của mình khi được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Quyền lợi ở đây là các chính sách về thuế sử dụng đất, quyền khai thác, kinh doanh trên mảnh đất được trao và các quyền hợp pháp mà pháp luật quy định khi sử dụng, chuyển dịch đất đai, hưởng lợi ích từ đất đai mang lại…
Khi người dân thấy lợi từ “giấy đỏ” mang lại, họ sẽ tự giác đi đăng ký QSDĐ để được bảo đảm quyền và lợi ích lâu dài.
Như vậy, việc quy định phạt nếu người dân không đăng ký QSDĐ sẽ không có tác dụng và chỉ là một biện pháp hành chính mang tính áp đặt.
HOÀI NAM