Trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ hai (cuối năm 2016) của Quốc hội, Thanh tra Chính phủ cho biết, năm 2016, kết quả thu hồi tài sản tham nhũng cũng không đạt chỉ tiêu 60% nêu trong nghị quyết của Quốc hội. Những năm gần đây, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tuy hằng năm đều tăng nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt. Tài sản tham nhũng trong một số vụ án bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được.
Tuy nhìn nhận đây là vấn đề mà Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt khi giải quyết vấn nạn tham nhũng, song cơ quan trả lời kiến nghị của cử tri cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn, vướng mắc trong việc thu hồi tài sản tham nhũng, trong đó có việc còn thiếu các quy định của pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng và chế tài xử lý đối với những người tẩu tán tài sản tham nhũng.
Để khắc phục, trong quá trình chuẩn bị để sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự, Luật Tương trợ tư pháp, các cơ quan của Chính phủ cũng đã nghiên cứu đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có nói chung và thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng. Chính phủ cũng đã tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, chuẩn bị cho việc kiến nghị sửa đổi toàn diện Luật này.
Đáng lưu ý, cử tri tỉnh An Giang kiến nghị, để đấu tranh cương quyết với các tệ nạn tham nhũng, lãng phí, song song với biện pháp quy trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, cần phải cương quyết xử lý đối với các trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn, bao che các hành vi tham ô, tham nhũng; chỉ rõ địa chỉ cụ thể ở địa phương nào, ngành nào, ai tham nhũng, ai bao che tham nhũng…
Thừa nhận nhược điểm này, song Thanh tra Chính phủ cho biết, đây là việc rất khó, bởi có nơi làm tốt hơn ở nội dung này, nơi khác lại làm tốt hơn ở nội dung khác, hoặc nhiều nơi cùng có những tồn tại, hạn chế như nhau.
Do đó mà Chính phủ chưa thực hiện được việc so sánh, phân loại để chỉ rõ bộ, ngành, địa phương nào làm tốt hoặc chưa làm tốt công tác phòng chống tham nhũng.