Tài sản số là cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên số

“Token hóa tài sản thực (RWA) có thể chiếm 10% GDP toàn cầu vào năm 2030, tương đương 16.000 tỷ USD, giúp tăng khả năng thanh khoản và giao dịch xuyên biên giới cho các tài sản truyền thống, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào nền kinh tế số toàn cầu”, đây là nhận định của ông Trần Huyền Dinh, Chủ nhiệm Ủy ban ứng dụng Fintech, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA).

Tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự án “Luật Công nghiệp công nghệ số” do Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức vừa qua, ông Trần Huyền Dinh đại diện cho VBA đã chia sẻ những vấn đề liên quan đến hành lang pháp lý tài sản số, ông kỳ vọng đây sẽ là bước tiến lớn trong việc hoàn thiện khung pháp lý cho tài sản số.

IMG_5366.JPG
Ông Trần Huyền Dinh chia sẻ những vấn đề liên quan đến hành lang pháp lý tài sản số tại Việt Nam

Theo ông Dinh, trong kỷ nguyên 4.0, RWA nổi lên như một xu hướng mới đầy tiềm năng, mang đến cơ hội phát triển vượt trội cho các nền kinh tế đang tìm cách số hóa các tài sản truyền thống. Tại Việt Nam, RWA đang dần trở thành tâm điểm của các cuộc thảo luận về công nghệ Blockchain và cách thức kết nối tài sản hữu hình với hệ sinh thái số, giúp tăng tính thanh khoản và khả năng giao dịch xuyên biên giới. Tài sản thực được token hóa (RWA) mở ra cánh cửa mới cho việc tích hợp những lợi thế vượt trội của công nghệ Blockchain vào các tài sản truyền thống vốn thường bị hạn chế bởi biên giới quốc gia và thời gian giao dịch.

“Cụ thể, RWA là quá trình số hóa các tài sản hữu hình như bất động sản, hàng hóa, hay kim loại quý lên nền tảng Blockchain, nhằm tăng tính minh bạch và khả năng giao dịch toàn cầu. Đây là bước đột phá giúp tài sản truyền thống dễ dàng tiếp cận hơn với nhà đầu tư quốc tế. Bản chất của RWA là các tài sản thực đã được chứng minh về giá trị, được token hóa và đưa lên mạng blockchain có thể giao dịch tức thì, thay vì phải chờ đợi theo quy định truyền thống như T+2 hiện nay,” ông Trần Huyền Dinh, nhận định.

image005-4497-1699354260-9699-1699416838.jpg
Ông Lê Quý Lượng, Giám đốc Công nghệ AlphaTrue cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, tại Việt Nam đã có 5 vụ có dấu hiệu lừa đảo trên nền tảng Blockchain

Cùng chung nhận định, ông Lê Quý Lượng, Giám đốc Công nghệ AlphaTrue cho rằng, đây là cơ hội hiếm có để Việt Nam bứt phá trên thị trường công nghệ quốc tế, với chiến lược tập trung phát triển các giải pháp Fintech kết hợp với Blockchain nhằm thúc đẩy số hóa tài chính. Hiện nay, ví mã hóa Basal nền tảng quản lý tài sản mã hóa đầu tiên tại Việt Nam và ứng dụng quản lý tài sản Fortius với tổng giá trị tài sản số được quản lý gần 20 triệu USD. Hiện tại, AlphaTrue có hơn 100 nhân sự tại 6 quốc gia trên thế giới với các hoạt động chính tập trung vào các giải pháp công nghệ toàn diện trong lĩnh vực Fintech, Blockchain và AI.

“Bên cạnh việc cung cấp các giải pháp Blockchain toàn diện, chúng tôi còn thực hiện truy vết các dự án on-chain có dấu hiệu lừa đảo, điển hình là chương trình “ChainTracer” được sáng lập từ năm 2023. Qua việc hợp tác cùng các đối tác quốc tế như Certik và Chainalysis, nhằm góp phần xây dựng một hệ sinh thái tài sản số an toàn tại Việt Nam. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, ChainTracer đã tiếp nhận và xử lý 5 vụ việc có dấu hiệu lừa đảo trên nền tảng Blockchain, với tổng thiệt hại ước tính gần 5,5 triệu USD”, ông Lê Quý Lượng chia sẻ thêm.

Năm 2021-2022, Việt Nam luôn nằm trong top 3 toàn cầu về người dân sở hữu tài sản số (nghĩa là 21% dân số Việt Nam sở hữu) chỉ sau UAE và Hoa Kỳ, đến năm 2023 đã đạt mức tăng trưởng lên 120 tỷ USD. Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực này còn “mong manh” đòi hỏi cần khẩn trương hoàn thiện các quy định bảo đảm khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ phát triển cũng như hoàn thành đầy đủ trách nhiệm về thuế. Rất nhiều quốc gia trong khu vực ban hành luật lệ, chính sách để thúc đẩy tạo ra hành lang pháp lý cho những dòng tài sản này đóng góp vào nền kinh tế số, mang lại những giá trị tích cực.

Theo dự báo của Boston Consulting Group, đến năm 2030, tổng giá trị của tài sản thực được token hóa có thể chiếm tới 10% GDP toàn cầu, tương đương 16.000 tỷ USD. Còn dự báo của ngân hàng Standard Chartered, thì tổng thị trường này có thể đạt đến 30.000 tỷ USD vào năm 2034. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần đánh giá đúng về làn sóng chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, đây là cơ hội vàng để theo kịp tiến trình đổi mới sáng tạo đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng như hiện nay.

Dự án Luật Công nghiệp Công nghệ số sẽ được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 8, diễn ra vào cuối tháng 10-2024, cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong việc xây dựng hành lang pháp lý hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số.

Tin cùng chuyên mục